Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định chặt chẽ để không thể tham nhũng

Hà Phong| 16/11/2017 07:03

(HNM) - Ngày 21-11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Điều các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, mong muốn là làm sao thiết lập khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, để cán bộ, nhất là người có chức vụ, quyền hạn không thể tham nhũng.


Giải trình đối với giao dịch 200 triệu đồng trở lên

Một số nội dung đáng lưu ý của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là xây dựng chế độ liêm chính, kiểm soát xung đột lợi ích, theo dõi biến động về tài sản, thu nhập. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới của dự thảo nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành.

Theo đó, dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc chủ động thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan chức năng được yêu cầu người kê khai giải trình biến động tài sản, thu nhập khi tiến hành kê khai bổ sung hoặc giải trình đối với giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên nhằm làm rõ về tài sản, thu nhập tăng thêm và quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ quy định.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số chế định của luật đối với một số công ty, đơn vị ngoài nhà nước. Cụ thể, tổ chức xã hội, công ty đại chúng, quỹ đầu tư có trách nhiệm ban hành quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu, kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ quan thanh tra, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định đó.

Cần cơ chế thu hồi tài sản hiệu quả

Điều cử tri và đại biểu Quốc hội mong muốn là việc sửa đổi luật phải góp phần giải quyết được những hạn chế cố hữu mà Chính phủ đã chỉ ra là: Thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. Dẫn vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin hơn 989,2 tỷ đồng và lãi trả chậm, nhưng đến tháng 7-2017 chưa thi hành được khoản nào…, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) khẳng định: Đây là minh chứng điển hình về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng mà giải pháp đưa ra chưa tương xứng. Cho rằng dự thảo luật sửa đổi không có giải pháp đột phá về vấn đề này, ông Cao Minh Vượng, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định: Tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản thì coi như xử lý chưa triệt để.

Theo luật gia Nguyễn Quang Vững và luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn luật sư Hà Nội, đa số tội phạm tham nhũng có trình độ chuyên môn, chức vụ, nên có sự chuẩn bị, che giấu kỹ lưỡng, biết cách chuyển hóa, tẩu tán tài sản hoặc sử dụng một cách hoang phí…, nên khi bị phát hiện khó có thể khắc phục được hậu quả. Trong khi đó, việc kê khai tài sản thu nhập mới căn cứ vào sự tự giác, chưa có quy định công khai bản kê khai để người dân giám sát. Chưa kể, thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, khiến cho việc nhận diện tài sản tham nhũng gặp khó khăn...

Vì vậy, luật cần bổ sung, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát tài sản thu nhập của những đối tượng buộc phải kê khai tài sản. Ngoài công khai tại cơ quan, bản kê khai tài sản cần được công khai tại nơi cán bộ, công chức đó sống để nhân dân giám sát. Ngoài ra, trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, cơ quan tố tụng cần cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn ban đầu để tránh bị tẩu tán.

Nhấn mạnh quan điểm “phòng là chính”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, luật phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được; để xảy ra tham nhũng rồi xử lý thì rất đau lòng. Với việc sửa đổi bổ sung toàn diện, nhiều vấn đề mới, phức tạp, cần tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan, cơ quan xây dựng luật nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự thảo luật tại ba kỳ họp thay vì hai kỳ như dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định chặt chẽ để không thể tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.