Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng

Nhóm PV HNMO| 18/11/2017 13:43

(HNMO) - Chiều 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có trọn một buổi làm việc để phát biểu làm rõ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

17:07 18/11/2017

Cần quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, trong 3 ngày, Quốc hội đã chất vấn liên quan đến 4 lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, tòa án.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV.


Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án TAND tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia giải trình và báo cáo làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của ĐBQH.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Qua chất vấn cho thấy, các vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Nhìn chung, các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi. Tại các phiên chất vấn, đã có nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tham gia tranh luận. ĐBQH đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt tích cực tham gia tranh luận, không chỉ tham gia tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà còn tranh luận với các thành viên tham gia chất vấn để làm rõ thêm nội dung vấn đề nêu ra.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành Tòa án đã nắm chắc chức năng, nghiệp vụ, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ những vấn đề đại biểu nêu và thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm mà mình phụ trách, cam kết tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả của ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, còn có những vấn đề, nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần phải có thời gian nghiên cứu để có giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân. Do vậy, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến thiết thực trong thời gian tới. 

"Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong trả lời chất vấn, trong chỉ đạo, điều hành khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.

Tại kỳ họp này, với 4 nhóm vấn đề được Quốc hội đưa ra chất vấn, đã có nhiều yêu cầu của các ĐBQH đặt ra với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát, triển khai thực hiện, đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

16:52 18/11/2017

Đại biểu: Giải pháp nào ngăn chặn "cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn"?

"Nạn tham nhũng, vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp khá phổ biến. Có người nói: “đường rộng cũng ăn, đường hẹp cũng ăn, cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn, nhà cao, cọng cỏ lại càng ăn… Họ vận dụng luật một cách mềm dẻo và hợp lý để ăn. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến tinh thần xây dựng của Chính phủ. Xin Thủ tướng cho biết, những giải pháp cụ thể để giảm, ngăn chặn vấn nạn trên" - đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, phải được kiểm tra, xử lý, tuyên truyền liên tục để chuyện nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống giảm đi.



Cũng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí về những thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC vừa kết thúc tại Đà Nẵng, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đã làm tốt vai trò nước chủ nhà cả về nội dung và công tác tổ chức; đạt được sự đồng thuận và ra được Tuyên bố Đà Nẵng 2017 trong bối cảnh kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên APEC có nhiều phức tạp. Việt Nam cũng đã đón nhiều lãnh đạo các nước đến thăm chính thức; khéo léo thể hiện văn hoá của người Việt, gây ấn tượng mạnh mẽ với nguyên thủ các nước....

"Hội nghị Cấp cao APEC đã gây ấn tượng mạnh mẽ về Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh và nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành và TP Đà Nẵng, cùng các tỉnh, thành khác đã hoàn thành chu đáo các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng cho thành công của APEC 2017.

16:42 18/11/2017

Thủ tướng thừa nhận còn tình trạng lạm dụng xã hội hóa

Trả lời chất vấn của ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về giải pháp khắc phục, tạo sự chuyển biến trong những vấn đề yếu kém, đặc biệt là năng lực cạnh tranh, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có một số cải tiến, cải cách nên môi trường đầu tư đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu kém trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 

“Chính phủ sẽ xem xét, rà soát đồng bộ quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho nhà đầu tư; kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu nhà đầu tư; tiếp tục xây dựng chính phủ điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tránh nhũng nhiễu...", Thủ tướng nói. 

Thủ tướng cũng chỉ rõ những yếu kém về cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; về thương mại qua biên giới; giải quyết thủ tục phá sản.... Thủ tướng khẳng định việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao chất lượng thực hiện quy trình nghiệp vụ, chất lượng phục vụ của cán bộ thuế.

Về vấn đề xã hội hóa đang bị lạm dụng, Thủ tướng đồng ý là còn tình trạng này, chẳng hạn như trẻ em bị thu nhiều khoản cao trong trường học, trẻ mới sinh phải đóng phí... Theo Thủ tướng, cần có thể chế huy động nguồn lực trong dân một cách hợp lý hơn, không vì xã hội hóa mà đẩy gánh nặng cho người dân, mà phải phù hợp, thiết thực, những việc mang lại lợi ích cho người dân thì mới được huy động, cũng như thu phí BOT giao thông vừa phải, phù hợp với mức gánh chịu của người dân.

16:23 18/11/2017

Khắc phục tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả

Về phát triển chiến lược ngành công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc phát triển công nghệ kỹ thuật số đang là một trong những nội dung quan trọng của kinh doanh thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 về tăng cường cuộc cách mạng công nghệ số. Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đấy khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện chiến lược của nền công nghiệp 4.0.



Trước câu hỏi về việc tại sao quý I tăng trưởng thấp, nhưng quý III và IV lại tăng tưởng nhanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nay. Nguyên nhân là bởi, người Việt Nam ta có thói quen coi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nhiều công việc đầu năm chưa được triển khai, nhưng đến quý II và III, với sự thúc đẩy mạnh mẽ, tăng cường kiểm tra, xử lý giải quyết nhiều vấn đề…, tình hình phát triển kinh tế đã sôi động hẳn lên. Đến quý IV, các hoạt động phát triển tăng vọt khi các đơn vị đẩy mạnh việc giải quyết kinh doanh, giải quyết vốn đầu tư, xuất nhập khẩu…

“Đây là tình trạng xảy ra thường xuyên trong nhiều năm. Vì thế, chúng ta cần khắc phục tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

16:22 18/11/2017

Cán bộ sợ mất an toàn nên chậm cải cách hành chính

Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn Thủ tướng về thực tế còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp kêu về việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính, còn tiêu cực và phải “lót tay”. Việc này đang đi ngược lại chủ trương của Chính phủ. Thủ tướng cho biết biện pháp mạnh mẽ nào để khắc phục, xử lý triệt để tình trạng này?

"Vì sao cải cách hành chính chậm, còn nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu? Đó là do tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, gắn với hiểu biết của người cán bộ; đó là sợ mất chức, mất quyền, mất an toàn cho bản thân nên không dám quyết cải cách..." - Thủ tướng thẳng thắn nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu cán bộ, đơn vị nào làm thủ tục cho dân, cho doanh nghiệp chậm chễ, nhũng nhiễu, kéo dài thì phải được thay thế ngay. Có như vậy, tình trạng "lót tay", nhũng nhiễu mới được giải quyết. Chính vì thế, việc kiểm tra, đôn đốc, công khai, minh bạch trong áp dụng thủ tục hành chính công ở các địa phương là hết sức cần thiết.

16:15 18/11/2017

 Chìa khóa của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở người nông dân

“Thủ tướng cho biết, chọn khâu nào để đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn?” - ĐBQH Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) chất vấn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đến nay, các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai kịp thời, mạnh mẽ. Việt Nam có gần 70% dân số sống ở nông thôn, đời sống khó khăn, chênh lệch giàu - nghèo lớn. Chúng ta đã đạt được tiến bộ qua các chương trình nông nhiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn việc tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…; đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác, nhất là xây dựng văn hóa nông thôn, đảm bảo môi trường sống ở nông thôn.

Về khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, Thủ tướng cho rằng, chìa khóa của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở chính người nông dân, từ nhận thức, tư duy đến hành động, hạ tầng, đặc biệt là phải có giải pháp để người nông dân thực sự là chủ thể của quá trình này. Thời gian tới, Chính phủ sẽ phối hợp với Hội Nông dân tổ chức đối thoại với nông dân để tìm lối đi, cách làm mới.

16:12 18/11/2017

Xem xét nâng lương cho cán bộ công chức để phòng, chống tham nhũng

Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, công tác chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua được thực hiện quyết liệt, được nhân dân cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, đại biểu Thích Thanh Quyết nhận định: "Đó chỉ là phần trên, còn phần dưới biến động không nhiều, trong khi thực tế phần dưới mới là phần sát dân, gây nhiều bức xúc, nhũng nhiễu cho dân". Qua đó, đại biểu mong muốn Thủ tướng nêu các giải pháp mang tính đột phá, tổng hợp để chống tiêu cực, tham nhũng.



Trả lời chất vấn này, Thủ tướng khẳng định, Đảng ta coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo.

"Vừa qua, chúng ta làm được nhiều việc, như xây dựng thể chế, điều tra những sự việc cụ thể, xử lý nghiêm và hiện Chính phủ đang tiếp thu ý kiến của Quốc hội nhằm hoàn chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng, để làm sao không thể, không nên và không có tham nhũng" - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu một số giải pháp phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, như tiếp tục hoàn thiện thể chế, công khai, minh bạch, xây dựng chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm những vi phạm, và tính toán để nâng lương cho cán bộ, công chức...

15:28 18/11/2017

Xử lý nghiêm sai phạm, lợi ích nhóm, làm thất thoát vốn Nhà nước

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) nêu 2 chất vấn về những vấn đề mà ông coi là nút thắt của nền kinh tế. Đó là thực trạng các doanh nghiệp FDI và cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp.

"Chủ trương đẩy mạnh CPH doanh nghiệp nhà nước là rất rõ ràng và nhất quán nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện thì không bao giờ đạt được tiến độ như kế hoạch. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng cho biết có giải pháp gì để khắc phục?", đại biểu Bùi Sỹ Lợi hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt thúc đẩy phát triển trong nước. Riêng xuất khẩu FDI chiếm 60% tổng xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho 3 triệu lao động. Đặc biệt, số doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngày càng tăng lên, có nhiều doanh nghiệp FDI đã phát triển rất tốt ở Việt Nam...

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, doanh nghiệp FDI còn một số tồn tại, bất cập như công nghệ còn ở mức trung bình; có trình trạng chuyển giá, trốn thuế ở một số doanh nghiệp, đơn vị, cần phải xử lý nghiêm.

"Chúng ta cần phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp FDI trên cơ sở tái cơ cấu lại FDI, không phải kêu gọi mọi thứ và đầu tư bằng bất cứ giá nào; cũng cần phải kết hợp giữa doanh nghiệp FDI và đầu tư trong nước" - Thủ tướng khẳng định.

Về chủ trương đẩy mạnh CPH doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho biết, cách đây 17-18 năm, Việt Nam có trên 12.000 doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiện nay con số này chỉ còn vài trăm. Đáng nói là tỷ lệ vốn hoá ra thị trường của số doanh nghiệp này chỉ còn từ 6-7%.

Quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước còn một số tồn tại được chỉ ra là: nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực chủ động; các doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong CPH, thoái vốn; thời gian chuẩn bị kéo dài; quy mô thị trường còn nhỏ nên khả năng hấp thụ vốn hạn chế... Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt CPH doanh nghiệp nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm, lợi ích nhóm, làm thất thoát vốn của nhà nước.

15:24 18/11/2017

Thủ tướng nhận diện 4 mối lo, chưa hài lòng với kết quả điều hành kinh tế-xã hội

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi: "Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 không"?

Theo Thủ tướng, năm 2017 là năm đầu tiên đất nước ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu.

“Có được kết quả phát triển như hôm nay là công sức của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi nhận thức đó chỉ là bước đầu. Chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đất nước thường xuyên bị thiệt hại về thiên tai, lũ lụt, đất nước vẫn còn lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu... Vì vậy, để nói có hài lòng không thì phải thẳng thắn rằng, chưa thật sự hài lòng. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa để có kết quả tốt hơn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những lo lắng lớn nhất hiện nay của đất nước là sự tụt hậu; diễn biến hòa bình; tham nhũng; những biểu hiện diễn biến theo hướng suy thoái, “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ sách nhiễu người dân, quan liêu. Vì thế, để bộ máy cùng một ý chí đồng lòng phục vụ nhân dân, Chính phủ phải tiếp tục hành động, kiến tạo, liêm chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực...

Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về những vụ tham nhũng, đánh bạc liệu có bị “chìm xuồng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ không cho phép “chìm xuồng” những vụ án tiêu cực và không có “vùng cấm” khi xử lý tham nhũng. Thủ tướng yêu cầu hệ thống hành pháp cần phối hợp với tư pháp xử lý những vụ việc tham nhũng kịp thời, để nhân dân yên tâm. Kết quả xử lý cần được công khai trước Quốc hội và nhân dân.

15:17 18/11/2017

Đề nghị địa phương "bình tĩnh" trong xây dựng thành phố thông minh

Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc xây dựng đô thị thông minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là xu thế của thế giới. Mục tiêu cơ bản của xây dựng thành phố thông minh là nâng cao hiệu quả năng lực quản trị, đặc biệt là đối phó với ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ công, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên... Mục tiêu là để dân cư thành phố được sống trong môi trường xanh, thông minh, an toàn, bền vững. Vì vậy, chính quyền đô thị cần tăng cường sử dụng thông tin và công nghệ một cách thông minh.



Thủ tướng hoan nghênh một số địa phương đã triển khai việc này như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố thông minh còn nhiều khó khăn. Đó là hạ tầng, tài chính, nguồn nhân lực, đặc biệt là an ninh mạng. Bởi an ninh mạng là vấn đề lớn, có cơ sở dữ liệu quốc gia thì mới tiến hành xây dựng thành phố thông minh tốt.

Thủ tướng lưu ý, các địa phương khi xây dựng đô thị thông minh không được chạy theo phong trào, phải làm có bài bản, hệ thống, có đủ các điều kiện mới làm. Giải pháp cần thiết để xây dựng thành phố thông mình là phải có số liệu, công nghệ, đặc biệt là con người. Thủ tướng mong các địa phương bình tĩnh trong việc chọn phương án xây dựng thành phố thông minh, có cách làm và bước đi thích hợp nhằm tránh thất bại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.