Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp nhận, giải quyết 33.797 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo

Hương Ly - Ảnh: Anh Tuấn| 08/12/2017 09:59

(HNMO) - Sáng 8-12, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban năm 2017.

Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy. 

Phó Bí thư Đào Đức Toàn chủ trì hội nghị.


Nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo

Báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU cho thấy, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số lượt tiếp công dân tăng 13%, đoàn đông người tăng 23%, số vụ khiếu nại tố cáo tăng 4,5%. Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố; công tác dồn điền, đổi thửa... trong đó có nội dung tố cáo, phản ánh về trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU. Thực hiện chỉ thị của Thành ủy, UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 6-2-2017 nhằm triển khai Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 1-6-2017 về “Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU đã xây dựng và ban hành các văn bản để triển khai kế hoạch hoạt động năm 2017. Bên cạnh việc tham mưu cho Thành ủy về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Ban Chỉ đạo cũng thường xuyên thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc công dân khiếu kiện bức xức trên địa bàn thành phố để tập trung chỉ đạo giải quyết. Trong năm 2017, chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng cao. Từ đó, đã huy động được sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

11 tháng năm 2017, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 33.797 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 479 lượt đoàn đông người. Thực hiện quy định về tiếp công dân định kỳ và đột xuất, lãnh đạo UBND thành phố đã tiếp 354 lượt/1.405 công dân, nhận 424 đơn, tiếp 39 đoàn khiếu kiện đông người. Ngoài ra, lãnh đạo UBND thành phố đã thường xuyên tiếp, đối thoại với công dân, nghe các đơn vị báo cáo để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. 11 tháng qua, toàn thành phố đã tiếp nhận 33.114 đơn các loại, trong đó có 21.218 đơn đủ điều kiện xử lý; thụ lý theo thẩm quyền 3.153 vụ khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 2.465 vụ, đạt tỷ lệ 78,2%. Số vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban chỉ đạo cũng chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế, như: công tác tiếp công dân của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị còn chưa được thực sự quan tâm. Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo còn hạn chế bắt nguồn từ chất lượng cán bộ ở cấp cơ sở... Một số vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xem xét, giải quyết song các đơn vị quận, huyện chưa tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.


Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.


Sớm số hóa lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, trước áp lực rất lớn về giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp về việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua thực hiện, dù còn nhiều tồn tại, bất cập cũng như còn một số vụ việc cần tập trung giải quyết; tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đều cho rằng, những vụ việc của Hà Nội phải gửi về Trung ương đã giảm rất nhiều. Tính chủ động của các đơn vị có liên quan, người đứng đầu các cấp cũng đã có chuyển biến rất tích cực. Ban Chỉ đạo đã cùng các cấp, ngành xem xét, chỉ đạo thấu đáo, giúp hạn chế hình thành “điểm nóng” phức tạp. Thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo, ý thức trách nhiệm giải quyết đơn thư của các sở, ngành có tiến bộ. Mặc dù so với mục tiêu đặt ra còn nhiều việc phải làm, song ý thức trách nhiệm và thái độ của các đơn vị đều có chuyển biến, cho thấy kết quả tích cực trên nhiều phương diện.

Đánh giá cao đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác này khá tận tuỵ, dù đặc thù công việc khó khăn, phức tạp, ít người dám đảm nhận, song vẫn có nhiều người gắn bó lâu năm với nhiệm vụ. Tuy nhiên, đồng chí Đào Đức Toàn cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cần bố trí anh em có năng lực, phù hợp với vị trí nhằm nâng cao chất lượng, giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo cho nhân dân.

Trưởng ban Chỉ đạo cũng nhận định, thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đã tồn đọng hằng chục năm nay. Ban Chỉ đạo đã vào cuộc, quan tâm, giải quyết kịp thời nguyện vọng của nhân dân cũng như bảo vệ lợi ích của Nhà nước, qua đó tháo gỡ được rất nhiều nội dung phức tạp.

Đồng tình với những tồn tại, hạn chế được nêu tại hội nghị, đồng chí Đào Đức Toàn yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện. Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu trong năm 2018, cần cụ thể hoá các đầu việc, trong đó tập trung coi trọng công tác tuyên truyền theo hướng thiết thực nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo-đài, sở, ngành, quận, huyện, tập trung tuyên truyền từng vụ việc theo chiều sâu để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân.

Thứ hai, các ngành có liên quan cần quan tâm đặc biệt tới các dự án phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư nhưng lại có tác động đến số đông người dân. Với những dự án này, phải đánh giá một cách toàn diện, dự báo và rà soát nguồn gốc, đánh giá tác động đến đời sống người dân, giải quyết việc làm để giảm áp lực xã hội. “Đây là một trong những nội dung mà cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Thứ ba, Ban Chỉ đạo phải rà soát, chỉ đạo, xem xét với những địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm. Trên cơ sở rà soát những vụ việc nổi cộm, mỗi tháng, cần chọn một địa bàn để nghe báo cáo, chỉ đạo. Nếu vài lần có chỉ đạo nhưng không chuyển biến, cần xử lý nghiêm theo quy định. Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các thành viên phải coi trọng các kênh thông tin như: Thanh tra, kiểm tra, báo chí... để nắm bắt sớm các vụ việc mới phát sinh trên địa bàn thành phố.

Thứ tư, trong quá trình kiểm tra xem xét, xử lý, các đơn vị phải lưu ý xem xét trách nhiệm của cán bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, phải tổ chức phân loại đối tượng cán bộ để tập huấn sao cho thiết thực, hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các cơ quan chức năng liên quan sớm hoàn thiện việc số hoá lượng đơn thư trên địa bàn thành phố để kịp thời nắm bắt tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo để có hướng giải quyết phù hợp, không để tồn đọng, gây bức xúc cho nhân dân và làm phát sinh thêm lượng đơn thư. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần quan tâm tới việc huy động các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc. Qua giám sát, cần phản biện, đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo hướng giải quyết đơn thư liên quan đến người dân. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức họp Ban Chỉ đạo. “Phải đặt lên bàn Ban Chỉ đạo những vụ việc nóng, nổi cộm để kịp thời xem xét, giải quyết thỏa đáng cho nhân dân”, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nhận, giải quyết 33.797 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.