Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thành lập thị trấn Ninh Cường

Theo Việt Nam plus| 13/12/2017 17:13

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 19, sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Toàn cảnh phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13-12. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Tờ trình nêu rõ Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị trấn Ninh Cường trên cơ sở nguyên trạng xã Trực Phú với 7,41 km2 diện tích tự nhiên, 10.244 người và 16 xóm. Xã Trực Phú có lịch sử từ thời phong kiến, là thủ phủ của tổng Ninh Cường.

Các địa danh trên địa bàn xã Trực Phú đều gắn với từ “Ninh Cường” và đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xã Trực Phú nói riêng, tỉnh Nam Định và cả nước nói chung, như: Đền Quốc Mẫu Ninh Cường, Đền thánh Ninh Cường, chợ Ninh Cường, cầu phao Ninh Cường... Việc đổi tên gọi khi thành lập thị trấn từ “Trực Phú” thành “Ninh Cường” là phù hợp và đã nhận được ý kiến đồng thuận của 99,69% cử tri xã Trực Phú.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Trực Phú sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; đáp ứng quá trình đô thị hóa của huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập thị trấn quy định tại Điều 9 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Xã Trực Phú đạt 3 tiêu chuẩn thành lập thị trấn gồm quy mô dân số, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội; riêng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, xã Trực Phú có 7,41km2, theo quy định là tối thiểu 14km2. Tuy nhiên, áp dụng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31 của Nghị quyết 1211 thì khi thành lập mới đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nguyên trạng không áp dụng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên đồng thời, việc thành lập thị trấn Ninh Cường cũng bảo đảm 5 điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, với những lý do nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Phó Thủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất với đề xuất của Ủy ban Pháp luật về việc thành lập thị trấn Ninh Cường. Riêng về đội ngũ cán bộ, cho rằng việc chỉ có 22 cán bộ tại đây có trình độ trung cấp là chưa phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị địa phương thực hiện công tác luân chuyển cán bộ có trình độ đại học về nhận nhiệm vụ tại thị trấn Ninh Cường song song với việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ.

Đồng ý với việc thành lập thị trấn Ninh Cường, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ phải bảo đảm việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thành lập thị trấn Ninh Cường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.