Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn chiến thắng B.52 trên địa bàn Thủ đô

Hiền Phương| 15/12/2017 06:20

(HNM) - Trải qua cuộc chiến 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân ta đã bắn rơi 34 máy bay B.52, trong đó có 8 máy bay rơi trên địa bàn Hà Nội...

Xác máy bay B.52 trên hồ Hữu Tiệp làng Ngọc Hà (Hà Nội).


Những dấu ấn lịch sử

8 máy bay B.52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đều là chiến công của Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong đó, chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đúng ngày đầu tiên của chiến dịch (20h18 ngày 18-12-1972) do Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 ở trận địa Cổ Loa (Đông Anh) bắn rơi. Xác máy bay rơi ở cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ (Sóc Sơn). Liên tiếp trong 3 ngày (19, 20, 21-12-1972) Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 257; Tiểu đoàn tên lửa 93, Trung đoàn Tên lửa 261 đã bắn rơi 4 máy bay B.52, xác máy bay rơi tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng (Thanh Oai); thôn Yên Thường, xã Yên Thường (Gia Lâm); thôn Mai Trang, xã Vạn Thắng (Ba Vì) và cánh đồng Trầm, thôn Xuân Tảo, xã Xuân Giang (Sóc Sơn). Sang ngày 26-12-1972, Tiểu đoàn 78 và Tiểu đoàn 76 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 đã bắn trúng 2 máy bay B.52, rơi ở Định Công - Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai) và rơi xuống cửa hàng ăn uống Tương Mai (Hai Bà Trưng). Ngày 27-12-1972, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn Tên lửa 285 bắn trúng B.52 và rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Ba Đình).

Kỷ niệm về máy bay B.52 rơi trên cánh đồng 45 năm trước vẫn được nhiều người dân xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) ghi nhớ qua lời kể của các nhân chứng lịch sử. Anh Đoàn Văn Tuấn (cháu nội của ông Đoàn Tấn - người xã đội trưởng từng trực tiếp chỉ huy dân quân làm nhiệm vụ trong đêm máy bay rơi) kể lại: "Theo lời ông nội tôi, vào thời khắc máy bay rơi, cả vùng quê sáng rực như ban ngày, mọi người tưởng bom rơi nên hốt hoảng chạy tránh bom. Khi nghe tin máy bay bị bắn rơi, ai cũng vui mừng kéo nhau ra xem". Hiện nay, tượng đài chiến thắng được xây dựng ven quốc lộ 3 thuộc địa bàn xã Phù Lỗ, để ghi nhớ tội ác của đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B.52 hủy diệt miền Bắc, đồng thời là chứng tích của lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Hà Nội anh hùng.

Tiếp lửa truyền thống

Nơi máy bay B.52 bị bắn rơi 45 năm về trước trên địa bàn xã Định Công, huyện Thanh Trì nay thuộc tổ 16a, phố Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Biển di tích máy bay rơi được đặt trang trọng gần Trường THCS Định Công. Ngày ngày, người dân nơi đây vẫn đến quét dọn, chăm sóc di tích như một sự tri ân với những người đã hy sinh để có được sự bình yên cho quê hương, đất nước. Các cháu học sinh vẫn thường được cha mẹ, thầy cô đưa đến tượng đài để học bài học đầu tiên về lịch sử của quê hương.

Tại khu di tích máy bay rơi của thôn Yên Thường, xã Yên Thường (Gia Lâm) những ngày này có nhiều người dân đến tham quan. Ông Nguyễn Văn Sáng, người dân trong thôn, cho biết: "Là địa phương từng hứng chịu nhiều trận bom của Mỹ, nên dịp này tôi dẫn cháu nội ra thăm khu di tích để cho cháu biết về lịch sử của quê hương cũng như ý chí kiên cường, dũng cảm của các thế hệ cha anh".

Từng vinh dự đứng trong đội hình của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257, Sư đoàn 361 ở trận địa Chèm và chiến đấu dũng cảm cùng đơn vị tiêu diệt 4 máy bay B.52 trong chiến dịch 12 ngày đêm, Đại tá Đinh Thế Văn (Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh) được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Khi về hưu, ông đã “biến” những kỷ niệm một thời trận mạc thành hoạt cảnh rối nước “Bộ đội tên lửa đánh B.52”. Bằng âm thanh, ánh sáng cùng những con rối dưới bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa, tiết mục của ông đã thay cho những bài học lịch sử khô khan đi vào tiềm thức của nhiều trẻ nhỏ và các vị khách nước ngoài một cách nhẹ nhàng mà rất đỗi tự hào. Ông Đinh Thế Văn chia sẻ: "Chiến đấu với B.52 là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nhưng cả đơn vị chúng tôi đều vào trận với quyết tâm cao. Thắng lợi đó là nhờ tinh thần “quyết đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” như lời dạy của Bác Hồ. Sự ra đời của tiết mục rối nước nhằm ôn lại một thời chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của quân và dân ta để thế hệ trẻ hôm nay phát huy truyền thống của cha anh trong thời đại mới".

Tại làng hoa Ngọc Hà, địa điểm duy nhất trong nội thành Hà Nội (tính ở thời điểm tháng 12-1972) có máy bay rơi, dù 45 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện về cuộc chiến 12 ngày đêm vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân trong làng nhớ lại: “Máy bay bị bắn rơi khi còn chưa kịp ném bom, lửa rực lên như bó đuốc. Đêm ấy, cả làng hầu như không ngủ, mừng vui khôn xiết”. 45 năm đã trôi qua, hồ Hữu Tiệp mãi là niềm tự hào của người dân làng Ngọc Hà, là biểu tượng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Xung quanh hồ đã được cải tạo thành con đường nhỏ để mọi người dạo chơi. Đặc biệt, ngay sát cạnh đó là Bảo tàng Chiến thắng B.52 - nơi lưu giữ nhiều chiến tích của cuộc chiến 12 ngày đêm chống lại “pháo đài bay” của đế quốc Mỹ phục vụ việc tham quan của du khách và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Từ năm 2012, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, TP Hà Nội đã xây dựng, cải tạo, tu bổ 8 bia chứng tích lịch sử tại các địa điểm máy bay B.52 bị bắn rơi trên địa bàn thành phố. Các bia ghi nhớ chứng tích được làm bằng đá granite tự nhiên màu đỏ huyết dụ, khắc chữ phủ nhũ vàng. Trên bia khẳng định vị trí, thời gian, đơn vị, trận địa bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ.

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chính quyền các địa phương đang tổ chức nhiều hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống và giao lưu với các nhân chứng lịch sử nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng của quê hương và xác định trách nhiệm của thanh niên trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Các chứng tích lịch sử nơi máy bay B.52 bị bắn rơi trở thành địa điểm giáo dục lịch sử sống động nhất cho thế hệ trẻ về một chiến dịch phòng không đạt mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn chiến thắng B.52 trên địa bàn Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.