Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm và làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Bảo Hân - Ảnh: Viết Thành| 23/12/2017 09:01

(HNMO)- Sáng 23-12, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về kết quả hoạt động năm 2017 chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2017-2025 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

PGS Hoàng Minh Sơn báo cáo về cơ cấu tổ chức, kết quả hoạt động năm 2017 và chiến lược phát triển của nhà trường trong thời gian tới.


Dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đại diện các sở, ban, ngành thành phố.

Trước khi buổi làm việc diễn ra, đồng chí Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã tham quan hai trong số các đơn vị nghiên cứu tiêu biểu của nhà trường là Phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch (IC Design Lab) và Trung tâm Hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) tại Thư viện Tạ Quang Bửu.

Bí thư Thành uỷ thăm trung tâm quốc tế nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh trường ĐH Bách Khoa

Đầu buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng - PGS Hoàng Minh Sơn báo cáo tóm tắt về cơ cấu tổ chức, kết quả hoạt động năm 2017, chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2017-2025 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Đại học Bách khoa là trường có khuôn viên rộng nhất trong các trường ĐH nằm trong nội thành Hà Nội với hơn 260 giảng đường, phòng học, hội trường lớn cùng hệ thống các phòng hội thảo, gần 200 phòng thí nghiệm. Khu ký túc xá sinh viên đủ chỗ cho 4.000 sinh viên.

Tổng quy mô đào tạo năm 2017 khoảng 35.000 sinh viên (SV), trong đó có 28.000 SV đại học chính quy, 2.500 SV cao học và 500 nghiên cứu sinh.

Trường có tổng số 1.886 cán bộ, trong đó có 770 tiến sĩ, 23 giáo sư và 216 phó giáo sư; hiện đang triển khai 61 chương trình đào tạo trình độ đại học cho 31 mã ngành, trong đó có 7 chương trình tài năng, 3 chương trình kỹ sư chất lượng cao PFIEV, 4 chương trình tiên tiến và 2 chương trình Việt -Nhật; 10 chương trình đào tạo quốc tế.


Năm 2017 là năm đầu tiên nhà trường thực hiện đề án tự chủ toàn diện và đã đạt nhiều kết quả trên tất cả các mảng hoạt động. Tháng 6-2017, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong bốn trường ĐH đầu tiên của cả nước được công nhận đạt kiểm định trường theo tiêu chuẩn Châu Âu bởi Hội đồng đánh giá cấp cao HCERES của Pháp.

Năm 2017, Trường cũng đạt những thành công nhất định trong tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học như: Chất lượng tuyển sinh được nâng cao; tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc học tiếp sau ĐH sau 6 tháng là 95%; 7 chương trình được đạt kiểm định theo chuẩn khu vực Đông Nam Á. Số lượng công bố quốc tế và số sáng chế, giải pháp hữu ích của trường tăng cao so với các năm trước.

PGS Hoàng Minh Sơn cũng nêu một số khó khăn, yếu kém trong hoạt động của nhà trường hiện nay như:  Hệ thống tổ chức, quản lý còn khá cồng kềnh; số đầu mối đơn vị cấp 2 nhiều (hơn 60 đơn vị); việc quản lý sử dụng cán bộ của trường hiện còn khá nhiều bất cập do sự phân quyền quản lý cán bộ giữa Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phù hợp với cơ chế tự chủ.

Ngoài ra, quy mô đào tạo trình độ thạc sỹ của trường giảm sút trong vài năm gần đây, đặc biệt thạc sỹ theo hướng nghiên cứu. Thành tích về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn hạn chế so với tiềm năng của trường và yêu cầu phát triển khoa học công nghệ của đất nước...

Giai đoạn 2017-2025, Đại học Bách khoa đặt mục tiêu trở thành trường nghiên cứu đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo mà không chạy theo quy mô đào tạo; hình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, thu hút mạnh tài trợ và đầu tư trong và ngoài nước...

Cũng tại buổi làm việc, PGS Hoàng Minh Sơn đã nêu một số kiến nghị với Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải như thay đổi chính sách tài chính cho giáo dục ĐH, thực hiện tự chủ tài chính với hầu hết cơ sở giáo dục ĐH; khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, tham gia đóng góp vào quá trình đào tạo tại các trường ĐH công lập khi thực hiện tự chủ.

Trường cũng mong muốn thành phố Hà Nội xây dựng một trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho ĐH Bách khoa cùng nhiều trường ĐH khác được đóng góp vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Thủ đô; kiến nghị TP ủng hộ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất của khuôn viên trường hiện nay để xây dựng khuôn viên 2; quy hoạch lại theo hướng bảo tồn và phát triển khuôn viên chính thành một trung tâm nghiên cứu và sáng tạo công nghệ xuất sắc; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân xây trái phép, lấy lại diện tích khu đất đang bị lấn chiếm nằm giữa ĐH Bách khoa và ĐH Xây dựng; kiến nghị thành phố chỉ đạo, hỗ trợ nhà trường tiếp tục thu hồi các khu đất khác (khu đất chợ Bách Khoa, khu đất cạnh đường Giải Phóng do Công ty ICD đang sử dụng)... để đưa vào xây dựng các công trình phục vụ và đào tạo nghiên cứu.

Tiếp đó, bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng nhà trường mong muốn ĐH Bách khoa được tạo cơ chế tập trung đầu tư để trở thành trường cốt lõi phát triển khoa học, dưới hình thức đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và tăng cường đầu tư cho đào tạo sau ĐH (dành học bổng cho nghiên cứu sinh để tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo tại các trường ĐH trên nước); có cơ chế rõ ràng và mạnh mẽ để gắn kết, thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác trong nghiên cứu khoa học...

Đại học Bách khoa làm rạng rỡ thêm cho lịch sử Hà Nội 

Sau phát biểu làm rõ các vấn đề mà lãnh đạo nhà trường kiến nghị của giám đốc một số sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, ĐH Bách khoa nằm trong nhóm trường luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. 

Thời gian qua, giữa thành phố và nhà trường đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn. Trường là đơn vị thực hiện nhiều công trình nghiên cứu cho thành phố cũng như phối hợp trong các vườn ươm công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, phong trào thanh niên Thủ đô và bảo đảm an ninh trật tự, quản lý đô thị trên địa bàn.

Trước các kiến nghị của trường về chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị nhà trường hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để thành phố căn cứ vào đó hỗ trợ thực hiện theo đúng quy định và thẩm quyền. 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.


Phát biểu kết thúc buổi làm việc, với tư cách là một cựu sinh viên ĐH Bách khoa, tốt nghiệp cách đây 36 năm, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải bày tỏ niềm xúc động và vui mừng, tự hào trước những đóng góp to lớn của nhà trường cho quá trình xây dựng phát triển đất nước và Thủ đô Hà Nội.

Với bề dày 61 năm xây dựng và trưởng thành, ngôi trường kỹ thuật danh tiếng của đất nước đã làm rạng rỡ thêm lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng chí tin tưởng, với vị trí, kinh nghiệm và năng lực của mình, Trường ĐH Bách khoa hoàn toàn có khả năng để trở thành trường ĐH đẳng cấp thế giới.

"ĐH Bách khoa Hà Nội là của Hà Nội, có nhiều đóng góp cho Hà Nội. Thành phố có trách nhiệm với trường và cũng chưa sử dụng hết lợi thế của trường" - Bí thư Thành ủy cho biết.

Việc ĐH Bách khoa thực hiện tự chủ từ năm 2011 và năm 2017 là năm đầu tiên trường tự chủ toàn diện, Bí thư Thành ủy cho rằng, đây là bước đi dũng cảm và đúng hướng của nhà trường, kể cả xác định giai đoạn trước mắt phải "thắt lưng buộc bụng" để rộng đường phát triển hơn trong tương lai. Bí thư Thành ủy lưu ý, khi trường thực hiện tự chủ toàn diện không có nghĩa là Nhà nước "buông bỏ" mà vẫn tiếp tục có những sự hỗ trợ về nhiều mặt.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ủng hộ chiến lược phát triển cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong thời gian tới, bởi tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên nhà trường đã dày công nghiên cứu xây dựng lên. 

Với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình và sẽ có những kiến nghị với Trung ương nhằm thay đổi chính sách tài chính cho giáo dục ĐH, thực hiện tự chủ tài chính với hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH cũng như có những cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, tham gia đóng góp vào quá trình đào tạo tại các trường ĐH công lập đã thực hiện tự chủ.

Còn với tư cách là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí nhấn mạnh, ĐH Bách khoa sẽ là nhân tố quan trọng trong hội đồng đánh giá tại các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo để định lượng giá trị và định hướng phát triển cho các ý tưởng khởi nghiệp của thành phố.

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy mong Trường ĐH Bách khoa và thành phố Hà Nội sẽ gắn chặt hợp tác, phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Giữa hai đơn vị sẽ có trao đổi, ký biên bản hợp tác trong các dự án "đặt hàng" để nhà trường phát huy tiềm năng của mình, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Trước các đề xuất điều chỉnh mục đích sử dụng đất, đặc biệt là khu đất 7,5ha nằm phía Tây đường Tạ Quang Bửu và xây dựng khuôn viên 2 (với kinh phí dự kiến 4.000 tỷ đồng), Bí thư Thành ủy đồng tình và đề nghị trường lập dự án đầu tư, có quy hoạch chi tiết kèm các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội để có căn cứ và cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp trường hoàn thiện quy hoạch, có những bước phát triển đúng hướng và mạnh mẽ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm và làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.