Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Huy động trên 17.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Hoa-Quyên - Ảnh: Bá Hoạt| 05/01/2018 13:49

(HNMO) - Chiều 5-1, Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU về

(HNMO) - Chiều 5-1, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" của Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban quý IV-2017, bàn nhiệm vụ, giải pháp năm 2018.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng BCĐ.

Quang cảnh hội nghị.


Về kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 02, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong năm thứ hai thực hiện, tổng giá trị sản xuất nông lâm, thuỷ sản tăng 2,33% so với năm 2016. Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Kết quả dồn điền đổi thửa được trên 78,7 nghìn ha (đạt 103,2%). Trong năm, có thêm hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, Hà Nội đã có 4 huyện, 285 xã đạt chuẩn NTM. Ngân sách thành phố đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng NTM. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 đến hết năm 2017 là trên 17.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, tổng phí kinh phí huy động được gần 9.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố chiếm 42,2% với hơn 3.700 tỷ đồng). Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, 12 quận thuộc thành phố đã có văn bản hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã nêu một số hạn chế, tồn tại trong xây dựng NTM, đặc biệt là đời sống thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, thiếu ổn định...

Trên cơ sở chỉ rõ những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan của những tồn tại, hạn chế, năm 2018, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.

Các tham luận của lãnh đạo 5 huyện: Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Gia Lâm và Phú Xuyên đã làm rõ những kết quả đạt được trong năm 2017, đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả hơn các nội dung của Chương trình trong năm 2018. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ đã biểu dương nhiều kết quả đạt được của Hà Nội trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân. Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Hà Nội luôn cố gắng đi đầu cả nước, được nhiều tỉnh, thành và trung ương đánh giá cao. 

Với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ, sự ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Sửu hy vọng các đơn vị, sở ngành, quận huyện sẽ triển khai các nội dung công việc của Chương trình 02-CTr/TU trong năm 2018 mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. 

Trong sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị các huyện tập trung phát triển các vùng chuyên canh, nhưng không làm theo kiểu phong trào mà chú trọng phát triển những sản phẩm là thế mạnh của địa phương; quan tâm đầu tư cho đê điều, thuỷ lợi...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo hội nghị.


Nông nghiệp, nông thôn là một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội năm 2017

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nhấn mạnh 4 nội dung đạt được trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Đó là, trong phát triển nông nghiệp, các huyện, thị xã đã tập trung xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp và đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân.

Trong xây dựng NTM, năm 2017, Hà Nội có thêm 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 4 và 285/386 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM.

Với tiêu chí đạt chuẩn ngày càng cao, cách chấm điểm chặt chẽ và không có chuyện cho "nợ" tiêu chí nên những kết quả đạt được trên là sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là sự đầu tư nguồn lực của thành phố. Riêng năm 2017, tổng kinh phí huy động là gần 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí 250 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố giải quyết cho vay đến đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương 12 quận nội thành đã có hỗ trợ các huyện xây dựng NTM, với tổng kinh phí hơn 228 tỷ đồng.

Ngoài ra, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017). 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của BCĐ Chương trình 02 từ thành phố đến cơ sở; sự tham gia tích cực nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành với các huyện. Nhờ đó, những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống người nông dân là một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội trong năm 2017.

"Năm 2018, Chương trình 02-CTr/TU đăng ký tổ chức sơ kết đầu tiên trong 8 Chương trình trọng tâm của Thành ủy. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta phải tăng tốc và quyết liệt để có kết quả rõ nét hơn, đánh giá lại toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu, từ đó đề ra giải pháp để triển khai thực hiện bằng được các chỉ tiêu, mục tiêu toàn nhiệm kỳ. Năm 2018 cũng là năm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Phải nói rằng, sau hợp nhất, chúng ta thành công rất nhiều và thành công rõ nét nhất, cảm nhận rõ nhất là bà con nông dân ở các huyện ngoại thành được đầu tư rất lớn, đời sống được nâng lên nhiều" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Về phát triển nông nghiệp trong năm 2018, Trưởng BCĐ Chương trình yêu cầu đẩy mạnh phát triển theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; Hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về "đầu vào" gồm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm... để bảo đảm sản phẩm nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. 

Trong xây dựng NTM, thành phố phấn đấu tăng thêm 26 xã, 2 huyện được công nhận đạt chuẩn, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.

Trưởng BCĐ Chương trình lưu ý, những huyện, xã đã đạt chuẩn NTM không được chủ quan với kết quả đã đạt được mà phải thường xuyên kiểm tra, duy trì bền vững kết quả đạt được. Những xã, huyện phấn đấu về sau do khó khăn hơn nên phải cố gắng gấp đôi các xã, huyện đi trước thì mới có thể đáp ứng các tiêu chí cao đặt ra. Vì vậy, các xã, huyện phải có kế hoạch chi tiết về nguồn lực, đầu tư, triển khai để bảo đảm đạt được chỉ tiêu.

Trong nâng cao đời sống người nông dân, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề, triển khai tốt chương trình quốc gia về y tế, giáo dục; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đầu tư về giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; đặc biệt là tăng cường giảm nghèo, giải quyết một cách bền vững về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng.

"Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có những tiêu chí phải đầu tư về kinh phí, có những tiêu chí phải đầu tư về nguồn lực, nhưng có những tiêu chí không tốn kém nhiều về kinh phí nhưng không được lơ là. Cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bao gồm các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khoá XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kết hợp quản lý chặt chẽ cán bộ", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Huy động trên 17.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.