Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác điệp báo, quân báo, an ninh Khu trọng điểm Sài Gòn-Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Theo QĐND| 26/01/2018 17:43

Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định

Trọng điểm là các thành phố Sài Gòn - Đà Nẵng - Huế - đầu não hậu phương chiến lược của đối phương, tạo "thôi động" lớn về chính trị, ngoại giao; làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản về cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 25-10-1967, Trung ương Cục miền Nam họp ra nghị quyết về tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa chiến trường B2 với mật danh là "Nghị quyết Quang Trung". Nghị quyết Quang Trung thể hiện tinh thần cơ bản quyết tâm mục tiêu tổng công kích, tổng khởi nghĩa mà Bộ Chính trị đã nêu ra trên đây, được cụ thể hóa ở chiến trường B2 với trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định. Tháng 12-1967, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị gửi các T (quân khu) hướng dẫn việc chuẩn bị và tiến hành công kích tổng khởi nghĩa ở các thành phố và thị xã, thị trấn, mỗi địa phương phải xác định trọng điểm của mình, đồng thời cần phải sẵn sàng chuẩn bị đánh địch phản kích, đập tan mọi âm mưu phản kích của chúng ngay từ đầu, đã thể hiện tinh thần chủ động tiến công, chủ động phòng ngừa nếu khó khăn xảy ra.

Quân và dân tấn công ở mặt trận Tây Ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.


Với quyết tâm trên, ngày 4-11-1967, Trung ương Cục miền Nam họp Hội nghị toàn thể để triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa và củng cố tổ chức lãnh đạo chiến trường B2. Tại Hội nghị quan trọng này, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ chính thức nhận nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Hoàng Văn Thái làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Hội nghị quyết định thành lập Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và củng cố Bộ Tư lệnh Khu. Theo đó, Khu Sài Gòn - Gia Định gồm 33 thành viên, trong đó có 25 thành viên chính thức, 8 ủy viên dự khuyết. Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Chính ủy, Tư lệnh là đồng chí Trần Văn Trà, Tham mưu trưởng là đồng chí Trần Đình Xu.

Khu trọng điểm được thành lập gồm Sài Gòn - Gia Định và một phần đất của các tỉnh tiếp giáp với Sài Gòn và được mở rộng thêm các vùng thuộc miền Đông Nam Bộ. Khu trọng điểm được chia thành 6 phân khu; mỗi phân khu có Khu ủy và Ban chỉ huy quân sự. Khu trọng điểm đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục, Võ Văn Kiệt và Trần Văn Trà - Ủy viên Trung ương Cục.

Đảng ủy khu trọng điểm tổ chức ra hai phân ban lãnh đạo của 2 bộ tư lệnh tiền phương: Bộ Tư lệnh tiền phương Bắc (I) gồm các đồng chí: Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ; Bộ Tư lệnh tiền phương Nam (II) gồm các đồng chí: Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng. Bộ Tư lệnh tiền phương Bắc trực tiếp chỉ huy các mũi tiến công từ hướng Bắc, Tây Bắc, phía Đông và Đông Bắc thành phố, gồm các phân khu 1, 4, 5 và lực lượng chủ lực Miền. Bộ Tư lệnh tiền phương Nam chỉ huy các mũi phía Nam, một phần Tây Nam, gồm phân khu 2, 3, 6, đồng thời lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở nội thành. Công tác phòng gian bảo mật, đặc biệt là giữ bí mật về ý đồ chiến lược của Đảng, được tuân thủ nghiêm ngặt; các kế hoạch bảo vệ tài liệu, bảo vệ tổ chức cán bộ được tiến hành ở tất cả các cấp. Quân ủy Trung ương và Miền tiến hành hoạt động nghi binh chiến lược để lôi kéo sự chú ý và lực lượng của địch sang các chiến trường miền Đông Nam Bộ; do đó, ta vẫn giữ được bí mật, bất ngờ của đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố với quy mô lớn trên toàn miền Nam đến giờ chót.

Trên cơ sở năm cánh quân có từ năm 1965, được sự chi viện của trên, an ninh các phân khu được thành lập, trực thuộc các phân khu ủy. Ngày 15-1-1968, An ninh Trung ương Cục tăng cường cho T4 30 cán bộ trung, sơ cấp để bố trí vào các phân khu. An ninh các phân khu tuyển thêm nhiều tân binh từ vùng giải phóng để tăng cường lực lượng. Lực lượng chiến đấu chủ yếu là điệp báo, an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, trinh sát vũ trang nội đô.

Lực lượng điệp báo, quân báo được điều động vào nội thành chuẩn bị cho tổng công kích và nổi dậy. Tháng 11-1967, đồng chí Đỗ Thạnh (Ba Dũng), Phó Ban điệp báo và một số đồng chí cốt cán vào nội thành rà lại mạng lưới điệp báo, xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ "lõm chính trị", căn cứ "lõm" trong nội thành và chuẩn bị các điều kiện chiến đấu.

Đường phố Sài Gòn bị quân giải phóng tiến công. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.



Kết hợp với Phòng Quân báo Miền, sưu tầm các bản đồ thị xã, thị trấn các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các quận nội thành Sài Gòn - Gia Định; điều tra những mục tiêu quan trọng trong nội thành Sài Gòn như: Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha Cảnh sát, Nha cảnh sát Đô thành Sài Gòn, Đặc ủy Trung ương tình báo, Nha an ninh quân đội...; nắm chắc tình hình một số chi khu và mục tiêu quan trọng như Tổng kho Long Bình, Sân bay Biên Hòa. Điệp báo và quân báo đã đưa đón một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy an ninh, quân sự vào nội thành khảo sát thực địa, đảm bảo bí mật an toàn; chuẩn bị lực lượng trinh sát dẫn đường các mũi tiến công nội thành, các mục tiêu quan trọng, nắm chắc các động thái địch, phục vụ tốt cho Bộ Chỉ huy tiền phương.

Công tác giao liên được tăng cường cho vận chuyển vũ khí, đưa các tổ vào nội thành tạo thế làm ăn hợp pháp, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo chỉ huy. Lợi dụng ngày nghỉ Tết Nôen năm 1967, ta tranh thủ vượt sông Vàm Cỏ Đông qua quốc lộ 22 (nay là quốc lộ 1) để chuyển vũ khí vào nội thành bằng ghe hai đáy xuôi theo sông Vàm Cỏ, rạch Cây Khô vào rạch Bến Nghé, bố trí cơ sở đón ở đó đưa vũ khí, đạn dược, chất nổ C4, TNT được gói trong các bánh tét vào những ngày giáp Tết được vận chuyển vào nội thành che giấu. Các trạm giao liên của điệp báo, trinh sát vũ trang dọc theo quốc lộ dùng xe lam chở súng đạn vào nội thành, bên trên chất đầy rau quả để ngụy trang. Chúng ta còn dùng xe Jeep biển số quân đội Sài Gòn, người của ta đóng vai Đại úy quân đội Sài Gòn lợi dụng giờ nhá nhem tối qua các trạm gác. Ngày 15-12-1967, tổ bảo vệ giao liên, văn phòng được tổ chức lại gọn nhẹ, gồm 26 đồng chí vào nội thành xây dựng lại các hộp thư, đồng thời theo sát các mũi tiến công của quân chủ lực đánh vào các mục tiêu trọng điểm Tổng nha Cảnh sát Đô thành. Ngày 15-12-1967, Thường vụ Trung ương Cục ra Chỉ thị số 32/CT-NT đề ra nội dung của công tác an ninh là: “Phải phục vụ quyết tâm chiến lược của Đảng, hướng vào các đô thị vùng yếu, kết hợp lực lượng vũ trang, chính trị của quần chúng để đẩy mạnh trừ gian diệt ác ôn... tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy tiến lên tiêu diệt cả cơ quan đầu não, các tổ chức công an tình báo Mỹ - ngụy, các đảng phái phản động, đánh tan các cơ sở của địch một cách triệt để, giành chính quyền về tay nhân dân...”(3). Thành ủy giao Ban An ninh nhiệm vụ trừ gian, diệt ác nhắm vào hai loại mục tiêu: Bọn đầu sỏ, bọn cao cấp và bọn tình báo, an ninh cảnh sát ác ôn trong chính quyền cơ sở địch.

Trên toàn chiến trường miền Nam, cuộc tổng công kích chiến lược vào các đô thị đã mở ra đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, đồng loạt tiến công trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các thành phố, thị xã, sân bay, kho tàng, Sở chỉ huy. Lực lượng an ninh khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định phối hợp với các chiến trường chính đánh 372 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 4.575 tên địch các loại, trong đó có 1.124 tên Mỹ, có 9 sĩ quan cấp tá, bắt sống 129 tên, có 1 tên tư lệnh sư đoàn, 1 tên tỉnh trưởng; bắn cháy và phá hủy 105 xe quân sự các loại, 63 máy bay, bắn chìm 1 tàu, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng (4). "Phân đội 2 bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang công an nhân dân. Đồng chí Nguyễn Minh Hoàng thuộc an ninh T4 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị trinh sát được tặng thưởng Huân chương hạng Nhì; 8 đồng chí được tặng thưởng Huân chương hạng Nhất, hạng Nhì".

Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 là một sự thật lịch sử. Những bài học thắng lợi và thiếu sót là những kinh nghiệm quý giá cho chặng đường tiếp theo dẫn đến ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1-1973) là vô cùng bổ ích cho chặng đường kết thúc chiến tranh bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng trong năm 1975, đưa dân tộc ta vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đại tá, TS. PHAN THANH LONG - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an

---------------

(1), (2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.29, tr.50.

(3). Công an thành phố Hồ Chí Minh: Biên niên lịch sử 1954-1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002, tr.75-76.

(4). Xem lịch sử Công an thành phố Hồ Chí Minh, t.II, 1954-1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác điệp báo, quân báo, an ninh Khu trọng điểm Sài Gòn-Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.