Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất thiêng nuôi dưỡng hiền tài

Hoàng Sơn Nguyễn| 14/02/2018 17:11

(HNM) -  Tôi không ít lần đã làm cuộc hành trình từ Thủ đô Hà Nội theo đê sông Hồng ngược lên vùng núi Tản, sông Đà, quay về Sơn Tây “đất đá ong khô đầy ngấn lệ”, qua đồng Bương Cấn, Quốc Oai, xuôi xuống vùng Sơn Nam thượng xưa, nay là Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức.


Địa linh sinh những anh hùng

Xứ Đoài, vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long - Hà Nội mang khí thiêng sông núi - được xem là “địa linh” này, từ xa xưa đã sinh ra nhiều bậc hiền tài có những cống hiến đặc biệt cho đất nước.

Núi Tản - Sông Đà Ảnh: KT


Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam mãi mãi khắc ghi tấm gương liệt nữ của bà Man Thiện dòng dõi Hùng Vương - người mẹ vĩ đại sinh hai bậc anh thư nữ kiệt: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Sử sách ghi: Mùa Xuân năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ tướng sĩ đánh quân Tô Định trả thù nhà, đền nợ nước, xưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Khi Mã Viện đem quân xâm lược, bà Man Thiện cùng ba quân trấn giữ một vùng, anh dũng chiến đấu rồi gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn. Giống như người mẹ anh hùng của mình, Hai Bà Trưng chiến đấu tới cùng và tuẫn tiết ở cửa sông Hát (sông Đáy ngày nay, thuộc địa phận xã Hát Môn, Phúc Thọ)...

Sau Hai Bà Trưng, xứ Đoài có Đường Lâm “một ấp hai vua” Phùng Hưng và Ngô Quyền. Phùng Hưng - vị hào trưởng sức mạnh phi thường là người đã chấm dứt ách đô hộ của nhà Đường, được nhân dân tôn kính, gọi là “Bố Cái Đại Vương”. Ngô Quyền, người anh hùng dân tộc, vị tướng tài ba đã dùng cọc tre đánh tan thủy quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn một nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của nước Đại Việt.

Đường Lâm cũng là quê hương của danh nhân Giang Văn Minh, vị sứ thần đã được vua Lê Thần Tông ban tặng câu đối “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” - đi sứ không làm nhục quốc thể. Trước văn võ bá quan của thiên triều và sứ bộ các nước, vua Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc - hàm ý nhắc việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” - cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong), Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là Bạch Đằng thuở trước máu còn loang, nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Trước sự đáp trả đó của sứ thần Đại Việt, vua Minh tức giận, gạt bỏ thể diện, trả thù hèn hạ bằng cách giết chết Giang Văn Minh. Đó là ngày mồng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1638), khi ông 65 tuổi.

Một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước quê Hạ Mỗ, Đan Phượng là Thái úy Tô Hiến Thành. Là bậc đại thần nhà Lý, ông đã trực tiếp giúp hai vua Anh Tông và Cao Tông khi đó còn rất non trẻ, trị vì và điều hành đất nước về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết sức trung thành, khéo xử trí khi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa”.

Không chỉ ở vùng Sấu Giá (nay thuộc huyện Hoài Đức), mà nhiều nơi thờ Thành hoàng làng là danh tướng Lý Phục Man, người anh hùng đã có công thu phục được các bộ tộc thiểu số vùng Tây Bắc theo Lý Bí - Lý Nam Đế khởi nghĩa chống quân Lương từ thế kỷ thứ VI, được suy tôn là Phục Man Tướng quân. Theo Thần tích tại quán Giá, ông là một trung thần có nhiều công lao, nổi tiếng giỏi võ nghệ, có tài thuần trị được voi, nên khi mất, ông được nhân dân nhiều nơi tôn thờ...

Những anh hùng hào kiệt mà tên tuổi của họ là những dấu son chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.

Danh nhân làm nên lịch sử

Lịch sử khoa bảng Việt Nam, kể từ năm 1076 khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng kết thúc chế độ khoa cử phong kiến, cả nước có 2.898 vị tiến sĩ; riêng xứ Đoài và xứ Sơn Nam thượng - vùng “phên giậu” của Thăng Long - Hà Nội đã có tới 338 vị được khắc tên trên bia đá và công trạng của họ được lưu danh sử sách, nhân dân truyền tụng, tôn vinh. Điều đó chứng minh, mảnh đất phía Tây Bắc Thăng Long là “địa linh sinh anh kiệt”.

Ở xã Nhị Khê (Thường Tín), nơi cuối cùng của sông Tô Lịch, có cha con Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi. Nguyễn Phi Khanh học rộng tài cao, nổi tiếng Kinh thành Thăng Long và con - Nguyễn Trãi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đã để lại một nền đức hạnh bao la, một nền văn chương xán lạn cho nước Việt. Ở đây còn có Hoàng giáp Ngô Hòa, Thám hoa Nguyễn Đình Tấn, nhà sử học Dương Bá Cung, cụ cử Lương Văn Can - người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, nhà cách mạng Lều Thọ Nam, thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy - Nguyễn Thiện Thuật...

Còn ở nơi ba con sông, sông Đà, sông Thao, sông Hồng hợp lưu với nhau thành sông Cái - sông Hồng (thuộc huyện Ba Vì) có một làng đặc biệt: “Đồn rằng Hà Nội vui thay/ Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô/ Cổ Đô trên miếu dưới chùa/ Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài...”. Xưa, Cổ Đô được mệnh danh là Làng khoa bảng; thế kỷ XX được gọi là Làng bộ đội (cả xã chỉ có hơn 2.000 khẩu nhưng có đến 397 thanh niên tham gia bộ đội chống Pháp và trên 400 dân quân du kích) và Làng họa sĩ (một làng mà có tới hơn hai chục họa sĩ và người làm hội họa được đào tạo chính quy và có cả một bảo tàng mỹ thuật hấp dẫn...). Một làng nhỏ mà có tới hai vị Thượng thư; có một vị trong “Tràng An tứ hổ”, một vị trong “An Nam tứ đại tài”, thật là hiếm có! Đó là cha con danh sĩ Nguyễn Công Hoàn (một trong tứ hổ của Tràng An “nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn” - là bốn tài năng văn học xuất chúng của Thăng Long dưới thời Lê - Trịnh, được người đời lưu danh) và con là Nguyễn Bá Lân, Thượng thư của 6 bộ dưới triều Lê (từ khi 32 tuổi đến lúc mất 86 tuổi). Nguyễn Bá Lân là vị quan văn võ song toàn, cốt cách thanh cao, chính trực, một tài năng văn học lỗi lạc, được xem là một trong “An Nam tứ đại tài” (bốn người giỏi nhất nước Nam đương thời).

Đây cũng là quê hương của Tiến sĩ - Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh. Bức hoành phi còn lưu giữ trong đền thờ ông ở Cổ Đô đề “Lưỡng quốc Thượng thư” (Thượng thư hai nước) là nhắc đến chuyến đi sứ vẻ vang, vua Minh phục tài, phong làm Thượng thư của nước này. Ở đây còn đôi câu đối: Vi cực nhân thân thiên hạ hữu/ Thượng thư lưỡng quốc thế gian vô” (nghĩa là: Làm quan đến cực phẩm triều đình thì thiên hạ có, nhưng thế gian không có ai như ông làm thượng thư hai nước)... Quả là kỳ tích!

Một nhân cách lớn thời Lê Trung Hưng là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, quê làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Không chỉ là nhà ngoại giao, nhà kinh tế kiệt xuất, ông còn là nhà văn, nhà thơ lớn mà những trước tác của ông để lại xứng đáng tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học sử Việt Nam. Cho đến nay, giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm như văn tế, văn bia, kinh truyện... nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Tác phẩm còn lại của Phùng Khắc Khoan hiện nay tiêu biểu là bốn tập thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập. Danh nhân thi sĩ đã được nhân dân yêu mến phong tặng là Trạng Bùng.

Một “Sĩ phu Bắc Hà” kiệt xuất (quê Tả Thanh Oai, Hà Đông) là Ngô Thì Nhậm (1746-1803), thuộc dòng họ Ngô Thì nền nếp thi thư “Họ Ngô một bồ tiến sĩ” - một dòng họ có nhiều đời đỗ đại khoa, nhận tước lộc cao của triều đình và nổi tiếng về văn học, được đặt danh hiệu “Ngô gia văn phái”. Ngô Thì Nhậm có 18 năm làm quan triều Lê - Trịnh và 15 năm theo phong trào Tây Sơn. Ông có nhiều công lao xuất sắc trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước dưới triều đại Quang Trung. Ngoài tâm huyết của một nhà mưu lược quân sự tài ba, ông còn có một di sản văn chương đồ sộ và giá trị, trong đó có 600 bài thơ.

Nhiều làng được mệnh danh làng khoa bảng như Chi Nê (Trung Hòa, Chương Mỹ) 11 tiến sĩ; Vân Canh (Hoài Đức) 10 tiến sĩ; Canh Hoạch (Thanh Oai) - làng duy nhất trong cả nước có hai trạng nguyên lại là hai cậu cháu Nguyễn Đức Lượng - Nguyễn Thiến. Mảnh đất “phên giậu” của Thăng Long còn là quê hương của sử thần Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ), Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (Thanh Oai), nhà bác học Phan Huy Chú, Phan Huy Ích (Quốc Oai), Thời cận hiện đại có Nguyễn Thượng Hiền (Ứng Hòa), Nguyễn Nhược Pháp (Phú Xuyên), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Ba Vì), Tô Hoài (Thanh Oai), Quang Dũng (Đan Phượng)...

Xứ Đoài, Trấn Sơn Nam thượng - vùng đất cổ không chỉ có truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, có những con sông đầy ắp kỳ tích về dựng làng giữ nước, có những làng khoa bảng, làng “mỹ tục khả phong” mà còn có những con người làm nên lịch sử. Sự kết tinh của phẩm cách anh hùng, lòng nghĩa dũng và trí tuệ tài hoa của con người đã tạo nên những giá trị nhân văn đặc sắc - là một phần không thể thiếu của văn hiến Thăng Long - Hà Nội nghìn đời nay... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất thiêng nuôi dưỡng hiền tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.