Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họp tập thể UBND thành phố tháng 3-2018: Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”

Ngô Hương - Hoàng Vũ - Ảnh: Anh Tuấn| 06/03/2018 08:20

(HNMO) - Sáng 6-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp tập thể UBND thành phố tháng 3-2018.

Nguyễn Doãn Toản, cùng đại diện các sở, ngành, quận, huyện.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp.


Cuộc họp của UBND thành phố bàn về 9 nội dung: Phê duyệt quy định ban hành Quyết định chỉ tiêu một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về quản lý sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội; Phê duyệt Quyết định ban hành Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội; Phê duyệt Quyết định về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chi tiết một số nội dung cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố; Báo cáo phương án cân đối nguồn lực đầu tư các dự án, đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, ưu tiên giai đoạn đến năm 2025; Đề án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020; Phê duyệt Quyết định ban hành Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố thay thế Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25-1-2013; Phê duyệt Quyết định ban hành về quản lý và khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội; Ban hành giá dịch vụ sử dụng đò, phà ngang sông trên địa bàn TP Hà Nội; Đề án thí điểm đào tạo bằng tú tài Al-levels tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An .

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy định cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố, theo báo cáo của Sở Xây dựng, dự thảo sửa đổi, bổ sung sẽ gồm 4 điều, trong đó có những nội dung được chỉnh sửa để thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư và người dân, những thủ tục bằng văn bản sẽ được giảm bớt. 

Đánh giá về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong nội dung cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố là cần thiết. Tuy nhiên, với những trường hợp sai phép, sau khi các đơn vị thanh tra liên ngành đã xem xét trách nhiệm thì việc xử lý nên được phân ra từng cấp thẩm quyền. Sở Xây dựng phải là đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến vấn đề cấp phép. 

Về phương án cân đối nguồn lực đầu tư các dự án đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025, theo báo cáo của Sở Tài chính, thành phố dự kiến phương án ưu tiên đầu tư 4 tuyến đường sắt gồm: Văn Cao - Hoà Lạc; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Nhổn - Trôi Phùng; Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Hoàng Mai - Cổ Nhuế - Liên Hà. Tổng mức đầu tư 4 đoạn tuyến đường sắt đô thị này dự kiến là hơn 230 nghìn tỉ đồng, trong đó có nhu cầu vốn ngân sách nhà nước là hơn 79 nghìn tỉ đồng. Để có được số vốn này, Hà Nội đề xuất huy động 7 nguồn lực thực hiện các dự án, bao gồm: Tiết kiệm chi ngân sách thành phố hằng năm; tăng thu ngân sách thành phố; kết dư ngân sách thành phố; nguồn thu cổ phần hoá; thu từ bán quỹ nhà chuyên dùng; nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng; đấu giá quyền sử dụng đất.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ chính thức xin ý kiến Thường vụ Quốc hội cho phép được huy động 7 nguồn lực nêu trên để đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó dành sự quan tâm cho việc phát triển tàu điện ngầm.

Về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng đò, phà ngang sông trên địa bàn thành phố, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, hiện thành phố có 29 bến đò liên quận giữa các quận, huyện và 3 tỉnh lân cận là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

Trước đây, việc sử dụng đò, phà được tính phí, sau chuyển sang giá dịch vụ. Tuy nhiên, giá dịch vụ này dựa trên mức phí, lệ phí từ năm 2009 nên thấp hơn giá đối bến so với các tỉnh lân cận. Vì vậy, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu điều chỉnh giá cho phù hợp. Sở đã khảo sát tại các quận, huyện và bến đò, phà đối lưu để xây dựng điều chỉnh mức giá với tinh thần giá bằng hoặc thấp hơn các bến đò đối lưu ở các tỉnh lân cận. Trong phiên họp, tập thể UBND thành phố đã nhất trí thông qua nội dung này.

Với Đề án thí điểm đào tạo bằng tú tài A-levels và Chứng chỉ IGCSE Cambridge tại các trường THCS trên địa bàn thành phố, tập thể UBND thành phố cũng đã thông qua nhưng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chú trọng hơn nữa đầu ra của đề án. Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, nếu chất lượng đầu ra tốt, Sở Giáo dục và Đào tạo nên mở rộng chương trình với cả hệ thống trường công THCS và THPT vì nhu cầu hiện rất lớn. Bên cạnh đó, để có nhân lực chất lượng cao thì việc đào tạo sâu về ngoại ngữ ngay từ cấp 2, cấp 3 là cần thiết. Ngoài ra, khi học các chương trình này, học sinh sẽ không phải đi học thêm ngoại ngữ ở ngoài.

Tại phiên họp, tập thể UBND TP Hà Nội còn thảo luận về vấn đề nhà ở xã hội và đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp tập thể UBND thành phố tháng 3-2018: Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.