Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa chung nhịp đập tình yêu biển đảo

Lê Hương| 23/04/2018 05:45

(HNM) - Đoàn cán bộ TP Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 năm 2018.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng với người dân sinh sống trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Bá Hoạt


Một hành trình ý nghĩa để tìm hiểu, trải nghiệm, chia sẻ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, từ đó lan tỏa tinh thần dân tộc, tình yêu biển đảo, cộng đồng trách nhiệm, hòa chung nhịp đập vì Trường Sa, cùng nhau chung sức giữ vững chủ quyền, cho Việt Nam thực sự là quốc gia mạnh về biển, phát triển từ biển, giàu từ biển.

Mang ra tình cảm...

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đây là năm thứ 9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cử đoàn công tác đi thăm, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/19. So với 8 lần trước, lần này đoàn có số lượng thành viên đông nhất, được mở rộng nhất từ trước đến nay (179 thành viên).

Ngoài các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, đại biểu sở, ban, ngành, các ban Đảng Thành ủy, Bí thư các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, còn có các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, bí thư chi bộ cơ sở, cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể tiêu biểu ở cơ sở, đại diện các cơ quan bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ...

Vinh dự được tham gia chuyến công tác đặc biệt này, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà chia sẻ: Biết tôi ra Trường Sa, nhiều cán bộ và nhân dân trên địa bàn quận gửi gắm: “Chúng tôi nhờ đồng chí gửi cả trái tim của cán bộ, quân, dân quận Cầu Giấy ra đảo”.

Với tâm thế “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”, trước giờ xuất phát, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn công tác nhắn nhủ với từng thành viên: “Các đồng chí vinh dự thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô mang theo tình cảm ấm áp của hơn 10 triệu dân Thủ đô, trong đó có hơn 40 vạn đảng viên của Đảng bộ thành phố gửi tới toàn thể quân, dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ của Nhà giàn DK1/19 - những người đang ngày đêm nắm chắc tay súng, hiên ngang trước biển cả canh giữ, bảo vệ biển, trời của Tổ quốc những tình cảm trân trọng, tin yêu, đồng thời truyền tỏa hơi ấm đất liền, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và quân, dân Trường Sa giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Vì vậy, các thành viên luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một hải trình thuận lợi, xuôi chèo, mát mái đã đưa đoàn đến thăm quân, dân 10 đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tốc Tan, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà gian DK1/19.

Ở bất cứ điểm đảo nào cũng dạt dào tình cảm thân thương của những người mẹ, người cha, người anh, người chị ân cần thăm hỏi, động viên con em mình ra sức rèn luyện, nêu cao bản lĩnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đoàn đã đi thăm nơi ăn, chốn ở, vườn rau thanh niên... và gửi tặng những món quà hết sức thiết thực chứa đựng tình cảm của Thủ đô. Từ những sản vật, đặc sản quê hương như: Kẹo lạc Phú Xuyên, giò lụa Thanh Oai, miến dong, phật thủ Hoài Đức, hạt rau giống... đến kỷ vật mang biểu tượng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đó là biểu tượng lá đề thời Lý trang trí hình rồng.

Ngoài ra còn có lư hương men ngọc bích thời nhà Nguyễn do nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng Trần Độ làm, những lá cờ Tổ quốc của Đảng bộ nhân dân huyện Thường Tín, những bức thư của học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) và Trường THCS Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) gửi tặng... thấm đẫm tình yêu của Hà Nội dành cho Trường Sa.

Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tặng nhiều trang thiết bị quan trọng phục vụ sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ như: Máy bơm nước, máy vi tính, máy in, máy lọc nước, ti vi, tủ cấp đông...

Đặc biệt, đoàn mang tặng 3 máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá hơn 600 triệu đồng/máy cho 3 đảo: Sinh Tồn Đông, Tốc Tan C và Trường Sa Đông. Theo thiết kế, mỗi giờ máy sẽ lọc 200 lít nước biển thành nước ngọt. Chỉ trong ít phút, nước biển đã trở thành nước ngọt và có thể uống trực tiếp. Đoàn công tác và các cán bộ, chiến sĩ của đảo đã thưởng thức những ly nước ngọt đầu tiên trong niềm vui mừng khôn xiết.

“Từ nay, nỗi lo thiếu nước sẽ không còn, cuộc sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ sẽ bớt khó khăn hơn" - Đại úy Đinh Ngọc Sang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông khẳng định, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt trong lần này, đoàn đã tổ chức lễ khởi công công trình nhà văn hóa trên đảo Đá Thị; lễ cắt băng khánh thành nhà văn hóa trên đảo Len Đao. Thêm hai công trình mang dấu ấn Thủ đô tại Trường Sa không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo của đảo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương thêm gắn bó; quyết tâm xây dựng đảo vững chắc, kiên cố, đẹp về cảnh quan, đồng thời là nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ, phối hợp nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Từng tham gia đoàn công tác TP Hà Nội năm 2017, chứng kiến lễ khởi công công trình nhà văn hóa Len Đao, Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định: “Những công trình, món quà mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành tặng cho quân, dân huyện đảo Trường Sa là biểu tượng của tinh thần yêu nước, của tình quân dân; là pháo đài sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; là pháo đài cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam".

Trong dịp này, đoàn đã tặng quà đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân tại các đảo và nhà giàn DK1/19, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ là người con của Thủ đô đang công tác, làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Đoàn đã làm lễ tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại quần đảo Trường Sa và các Anh hùng liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc với một nghi thức thiêng liêng tràn đầy tình yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc.

... Mang về niềm tin

Tuần tra trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Bá Hoạt


Với Đảng bộ, chính quyền, đồng bào và lực lượng vũ trang Thủ đô luôn có một Trường Sa trong lòng Hà Nội. Những tình cảm Hà Nội với Trường Sa và Trường Sa với Hà Nội luôn luôn gắn kết, trở thành khối đoàn kết thống nhất để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó, đã được chứng minh, chỉ trong vòng một tháng phát động, đông đảo cán bộ, nhân dân Thủ đô đã ủng hộ gần 40 tỷ đồng cho Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu".

Nguồn kinh phí này được sử dụng hiệu quả để khởi công nhà văn hóa trên đảo Đá Thị. Chính sự góp công, góp sức của cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Ra thăm Trường Sa lần này, đoàn công tác rất xúc động được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của quần đảo tươi đẹp, hiên ngang nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trường Sa hôm nay căng đầy sức sống mới, ngày càng tươi đẹp, vững mạnh. Khi màn đêm buông xuống, Trường Sa lung linh ánh điện; bình minh thức dậy là Trường Sa náo nhiệt với cuộc sống thường nhật chẳng khác đất liền. Dù là đảo nổi hay đảo chìm, ở huyện đảo Trường Sa đâu đâu cũng có những trụ điện, tua-bin gió và những tấm pin năng lượng mặt trời, cơ bản bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc nói: “Được chứng kiến sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, tôi rất xúc động, tự hào và cảm phục tinh thần, ý chí, sự hy sinh, vượt khó để thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo và hỗ trợ các hoạt động kinh tế trên biển…”.

Những cái bắt tay thật chặt, những đôi mắt đỏ hoe, những cánh tay vẫy cùng những lời chào tạm biệt, hẹn ngày trở lại. Khép lại một hải trình với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Điều lắng lại trong mỗi thành viên của đoàn công tác TP Hà Nội năm 2018 không chỉ là sự trải nghiệm được ngắm nhìn Tổ quốc từ biển, thấu hiểu hơn biết bao công sức, nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của cha anh đã đổ xuống cho sự trường tồn mãi mãi của Trường Sa mà còn là sự nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền đất nước, thực hiện và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn đồng hành cùng quân và dân cả nước bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp sức để hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và nhân dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc" - lời khẳng định của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chính là biểu hiện sinh động cho tinh thần: “Tiên phong, mẫu mực, tiêu biểu, nhiệt huyết, hiệu quả” của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, luôn hòa chung nhịp đập của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và góp phần xây dựng các quần đảo vững mạnh.

12 ngày ở Trường Sa là những khoảnh khắc không thể nào quên. Đoàn mang theo về niềm tin và tình yêu biển, đảo trong trái tim Tổ quốc. Đến Trường Sa để tri ân và sẻ chia những khó khăn, gian khổ; rời Trường Sa để tiếp tục quan tâm chăm lo cho các quần đảo của Việt Nam thêm vững chãi.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn tin tưởng vào ý chí vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu, Hà Nội đã huy động đóng góp công sức, đầu tư cơ sở vật chất, các dự án, công trình có ý nghĩa thiết thực. Tính từ năm 2009 đến nay, thành phố đã hỗ trợ xây dựng được nhiều công trình ý nghĩa, như: Nhà khách Thủ đô, nhà văn hóa Trường Sa, nhà văn hóa đảo Tốc Tan, Tiên Lữ, Len Đao, Song Tử Tây... Ý nghĩa hơn, sự tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc hướng về biển đảo quê hương đã tạo thành một hiệu ứng, mở ra một phong trào vì biển đảo quê hương cho các địa phương trên toàn quốc noi theo.

Càng ý nghĩa hơn, thông qua chuyến thăm lần này không chỉ bồi đắp tình cảm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang Thủ đô đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, mà từ đây, 179 thành viên sẽ là những tuyên truyền viên lan tỏa tình yêu dân tộc trong cán bộ, nhân dân Thủ đô, để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 09-NQ/TƯ, ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhân dịp này, đoàn đã thăm, tặng quà cán bộ và thủy thủ Lữ đoàn tàu ngầm 189, tàu ngầm 182, mang tên Hà Nội - một trong những đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa chung nhịp đập tình yêu biển đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.