Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7% (*)

(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới.| 22/05/2018 07:15

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%.

(Trích báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực TRƯƠNG HÒA BÌNH trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV)


1. Về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(…) Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7% (…).

Thực hiện hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu; cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác, thị trường nhập siêu cao; phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu bền vững (...).

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở.

2. Về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 (...).

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm (…). Phấn đấu tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; trong đó tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường.

(…) Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới (…). Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 7,7%.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics... (…) Phấn đấu thu hút 15-16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4% (...).

3. Về phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân


Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi). Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công, các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc. Chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sáng tạo trong giảm nghèo bền vững.

(…) Tập trung củng cố y tế dự phòng, phát triển y tế cơ sở, y học gia đình. Khẩn trương đưa các bệnh viện trung ương, tuyến cuối vào hoạt động (…). Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động (…).

Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu về công nghệ thông tin; khuyến khích phát triển thị trường và sản phẩm quốc gia. Chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tăng cường nhận thức trong xã hội và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật (…).

4. Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu


Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chấn chỉnh tình trạng lãng phí tài nguyên đất, nước, khoáng sản... Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hợp tác chặt chẽ với các nước trong sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, quản lý tài nguyên môi trường biển. Ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản, rừng, cát sỏi trái phép, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và tăng cường phòng, chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, tập trung triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình tổng thể phòng chống thiên tai cho các khu vực trên cả nước, trước mắt tập trung vào vùng miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, theo dõi, cảnh báo tại một số vị trí thường xuyên xảy ra thiên tai.

5. Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí


Chính phủ chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; xử lý dứt điểm và công khai kết quả giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, tập trung chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số và nền kinh tế số; khẩn trương hoàn thành xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, như quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước... Thực hiện hiệu quả Luật Tiếp công dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở (...). Sớm hoàn thành kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát.

6. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Theo dõi sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ. Sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác. Sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; đẩy mạnh vận động sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU). Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thu hút đầu tư, kết nối đối tác. Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài.

7. Về thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội


Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn. Các cấp, các ngành chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội; quy định pháp luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và các vấn đề dư luận quan tâm. Làm tốt công tác dân vận trong hệ thống hành chính nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân; tạo điều kiện để các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò, tham gia tích cực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7% (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.