Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không làm tăng biên chế, tránh lãng phí nguồn lực

B.Hân| 22/05/2018 18:42

(HNMO) - Chiều 22-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.


Dự thảo Luật gồm 7 chương, 41 điều, quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Tại kỳ họp thứ tư (khóa XIV), Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật này. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. 


Thảo luận tại hội trường trong chiều nay, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát chặt chẽ, bao quát, đầy đủ các nội dung về quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu đặt ra để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số ý kiến cũng đã tập trung góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật như giải thích từ ngữ, vấn đề bình đẳng giới, khu vực phòng thủ, giáo dục quốc phòng, các quy định về lực lượng vũ trang, nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng…

Báo cáo tiếp thu, giải trình và làm rõ một số nội dung đại biểu nêu về Điều 13 (Công nghiệp quốc phòng, an ninh), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nêu, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Điều 68 Hiến pháp năm 2013 đều quy định xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh trong một thể thống nhất không tách rời nhau.

Quy định của dự thảo Luật đã thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tập trung nguồn lực quốc gia cho đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh, không làm tăng tổ chức biên chế, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh hiện nay như nhiều nước trên thế giới.

Với nhiều nội dung khác, Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật theo quy định.


Trước đó, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không làm tăng biên chế, tránh lãng phí nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.