Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ tổng cục, tránh được tình trạng "Bộ trong Bộ"

Bảo Hân| 07/06/2018 17:43

(HNMO) - Chiều 7-6, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) nêu, việc bỏ việc bỏ cấp trung gian này sẽ tránh được tình trạng mang tổng cục ra đại diện cho Bộ.

Đại biểu Đào Thanh Hải trong thảo luận tại tổ Hà Nội


Chiều 7-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi. Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Bỏ cấp trung gian, cắt giảm được nhiều chi phí 

"Thời gian qua, cấp tổng cục Bộ Công an đã tạo ra những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện phối hợp với các đơn vị trong triển khai chức năng nhiệm vụ được giao. Do đó, nếu như bỏ tổng cục sẽ cắt giảm tối đa cấp trung gian, khắc phục sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các tổng cục với nhau. Việc bỏ cấp trung gian này cũng sẽ tránh được tình trạng mang tổng cục ra đại diện cho Bộ, tức là tổng cục nhiều khi gọi là "Bộ trong Bộ" nhưng thực tế không thể thay mặt cho Bộ được" - Đại biểu Hải nêu.

Hiện nay, trong Bộ Công an có 126 cục và theo đề án tinh giảm sẽ để lại chỉ còn 50 - 60 cục, giảm gần 70 cục. Đây là việc thực hiện đúng chủ trương tinh giản biên chế, thu hẹp, sắp xếp đầu mối các bộ, ngành. Qua đó, lực lượng được bố trí tập trung hơn, chỉ huy, chỉ đạo nhanh và hiệu quả hơn, giảm tầng lớp hành chính và các việc hội họp, giấy tờ, thủ tục hành chính...

Số lượng cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cấp phòng và nhiều lực lượng phục vụ như lực lượng tham mưu, chính trị hậu cần, thanh tra, kiểm tra.... cũng sẽ được cắt giảm, kéo theo giảm chi phí, trang thiết bị, phương tiện làm việc, xe cộ.

Cũng theo Đại biểu Đào Thanh Hải, cần phải hợp nhất Sở Phòng cháy chữa cháy (PCCC) với Công an thành phố, tỉnh để tạo thành một lực lượng thống nhất tại địa phương. Việc hình thành 2 đầu mối như hiện nay đang gây ra khó khăn trong quá trình chỉ huy, chỉ đạo.

Trong thực tiễn, khi xảy ra các vụ cháy, cứu hộ cứu nạn đều phải huy động các lực lượng tham gia như CSGT để điều tiết giao thông, cảnh sát hình sự để phòng chống tội phạm, lực lượng cảnh sát điều tra để điều tra các vụ cháy nổ, lực lượng kỹ thuật hình sự để khám nghiệm hiện trường, CA quận, phường để tham gia cứu người, chữa cháy, bảo vệ hiện trường...

Ngược lại, trong phòng chống biểu tình, khủng bố phá hoại các thế lực thù địch, bên phía công an lại huy động lực lượng cảnh sát PCCC. Như vậy, cả hai lực lượng đều cần cơ chế phối hợp, thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới.


Triển khai gần 25.000 công an chính quy xuống xã là khả thi!

Về sự cần thiết triển khai lực lượng công an chính quy xuống xã, đại biểu đoàn Hà Nội phân tích, trong thời gian qua, nhiều vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật xảy ra với lực lượng công an xã ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, gây ra dư luận xấu, mất lòng tin với lực lượng công an khi nhiều công an xã khi chưa được đào tạo chính quy, bài bản, dẫn đến còn có sai phạm trong xử lý vụ việc ở cơ sở.

Trong khi đó, tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nhiều vụ việc bắt nguồn từ địa bàn cơ sở, nếu không quyết liệt ngăn chặn ngay từ cơ sở và xử lý tốt sẽ làm cho môi trường sống, môi trường đầu tư, sự ổn định về an ninh chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế áp dụng thí điểm đưa công an chính quy xuống 828 xã ở 38 tỉnh đã phát huy nhiều hiệu quả.

"Theo thống kê có khoảng gần 10.000 xã cần triển khai lực lượng công an chính quy. Đề án của Bộ sẽ đưa gần 25.000 quân xuống xã để bảo đảm mỗi đơn vị xã có từ 3-5 công an chính quy. Bộ chủ trương triển khai làm 3 đợt: đợt 1 với các xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; đợt 2 với xã đông dân cư và đợt 3 xã còn lại nên khả thi và thực hiện được" - Đại biểu Hải thông tin.

Với hơn 9.300 trưởng công an xã đang là công chức nhà nước, khi bố trí công an chính quy xuống xã thì chức năng, quyền hạn của họ sẽ thay đổi. Các vị trí này sẽ thôi giữ chức vụ. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố sẽ triển khai đánh giá và bố trí phù hợp với năng lực chuyên môn và sở trường của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ tổng cục, tránh được tình trạng "Bộ trong Bộ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.