Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học thành công về công tác tổ chức cán bộ

Võ Lâm| 28/06/2018 07:18

(HNM) - Đồng chí Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đầu tiên của TP Hà Nội (sau khi điều chỉnh địa giới hành chính) đã chia sẻ với Báo Hànộimới về quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này của 10 năm về trước.

Bài cuối: Công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc

(HNM) - Là người trực tiếp làm công tác tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy về tổ chức cán bộ trong những ngày đầu Hà Nội hợp nhất, đồng chí Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đầu tiên của TP Hà Nội (sau khi điều chỉnh địa giới hành chính) đã chia sẻ với Báo Hànộimới về quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này của 10 năm về trước. Đồng chí khẳng định, nhờ “công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc”, TP Hà Nội đã thực hiện thành công công tác tổ chức cán bộ sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.


- Phóng viên: Thưa đồng chí Nguyễn Công Soái! Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội, nhiệm vụ đặt ra đối với đồng chí khi đó là gì?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Trước ngày 1-8-2008 khoảng 6 tháng, đồng chí Bí thư Thành ủy có trao đổi với tôi về yêu cầu là tạm dừng tất cả công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Vì nếu chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô được thông qua, bộ máy hợp nhất Hà Nội, Hà Tây sẽ rất đông. Chúng tôi đã tham mưu thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Đấy là sự nghiêm túc của Hà Nội, không hề có chuyện tranh thủ bổ nhiệm “nước rút”.

Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong số 60-70 đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Tỉnh ủy thì chọn ai làm phó, ai làm trưởng.

- Phóng viên: Quá trình giải quyết khó khăn này diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Sau khi thảo luận, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đi đến thống nhất là phải xây dựng đề án sắp xếp lại cán bộ; đặc biệt là phải đề ra các nguyên tắc bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Nguyên tắc chỉ đạo của Thành ủy là đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy phải được sắp xếp theo hướng cố gắng để các đồng chí giữ được chức vụ cấp trưởng. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể cần có giải pháp linh hoạt, hợp lý, hợp tình.

Đơn cử như hai đồng chí Phó Bí thư Thành ủy là đồng chí Tưởng Phi Chiến và tôi kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; do đó hai đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Trưởng ban Tổ chức của Thành ủy Hà Nội là đồng chí Trần Trọng Dực và Nguyễn Văn Sửu chuyển xuống làm cấp phó; còn Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tây khi đó là đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc (hiện là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố) được điều động làm Giám đốc Sở Nội vụ.

Đồng chí Lại Hồng Khánh đang là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây tiếp tục làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Còn đồng chí Phạm Xuân Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội. Cả hai Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) và tỉnh Hà Tây cùng chuyển sang làm cấp phó...

Đối với các Thành ủy viên, Ban Tổ chức Thành ủy cũng tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy một số nguyên tắc sắp xếp cụ thể. Sau khi các nguyên tắc được thông qua, Ban Tổ chức Thành ủy lập danh sách, điền tên dự kiến ai làm trưởng, ai làm phó gắn với lý giải cụ thể.

Ví dụ, đối với ngành Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) chưa là Thành ủy viên, nhưng Giám đốc Sở Tài chính Hà Tây lại là Tỉnh ủy viên (sau khi mở rộng địa giới hành chính là Thành ủy viên), vậy phải chọn ai?

Chúng tôi chọn Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) tiếp tục làm Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội mới vì Sở Tài chính Hà Nội phải quản lý nguồn thu tài chính hằng năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong khi Sở Tài chính tỉnh Hà Tây chỉ quản lý vài nghìn tỷ đồng. Sau khi có danh sách cụ thể theo từng vị trí, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy bỏ phiếu, sau đó thống nhất thực hiện.

Nhờ cách làm như trên, nên việc sắp xếp cán bộ cơ bản là ổn định. Anh em có tâm tư không? Có chứ. Nhưng cái chính là chúng tôi tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy có nguyên tắc, bảo đảm công khai, dân chủ, nên cán bộ không ai nghĩ phải có tác động này, tác động kia; chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia...

- Phóng viên: Sắp xếp cấp trưởng khó như vậy, nhưng Thành ủy Hà Nội đã thực hiện một cách thuyết phục. Vậy việc sắp xếp cấp phó diễn ra thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Sau khi sắp xếp xong cấp trưởng, bước thứ hai khó khăn không kém là sắp xếp cấp phó. Vì số lượng cấp phó ở các sở, ban, ngành quá đông. Trung ương cho mỗi quận, huyện thêm 2 người: Một Phó Bí thư, một Phó Chủ tịch UBND (so với quy định thời điểm đó). Khi hợp nhất, Hà Nội có 29 quận, huyện vậy sẽ có ít nhất 58 người phải luân chuyển. Trong số hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, phải luân chuyển ai bây giờ?

Trả lời câu hỏi này, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn các đồng chí nam sinh từ năm 1955 và các đồng chí nữ sinh từ năm 1960 trở lại đưa vào diện luân chuyển. Khi rà soát hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, chúng tôi lọc được khoảng 150 đồng chí đưa vào danh sách.

Tiếp theo, trong số hơn 150 người này, chúng tôi đề xuất ưu tiên luân chuyển đồng chí nào chưa kinh qua cơ sở nên danh sách được khu biệt tiếp còn khoảng 120 người. Chúng tôi tham mưu tiếp một nguyên tắc nữa là những người công tác ở các ban Đảng Thành ủy và đoàn thể sẽ điều chuyển về làm Phó Bí thư, ai ở sở, ngành giới thiệu về làm Phó Chủ tịch UBND.

Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy thông qua nguyên tắc như trên, chúng tôi tổng hợp lại rồi thông báo danh sách đến các sở, ngành đồng thời yêu cầu họp và đề xuất với Thành ủy là luân chuyển ai. Khó khăn xảy ra là hầu như không có sở, ngành nào đề xuất cụ thể được theo yêu cầu nên Ban Tổ chức Thành ủy phải chủ động đề xuất từng trường hợp.

Với các đồng chí thuộc khối cơ quan Đảng, đoàn thể đề xuất về làm Phó Bí thư thì dễ, các đồng chí thuộc khối chính quyền thì khó khăn hơn. Ban Tổ chức Thành ủy có công văn đề nghị các quận, huyện đề xuất đang thiếu Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực gì. Đây là căn cứ quan trọng để chúng tôi tham mưu đúng người, đúng vị trí.

Ví dụ quận Ba Đình thiếu Phó Chủ tịch UBND phụ trách về quản lý đô thị, nếu đồng chí A học về kiến trúc sẽ được đề xuất về quận Ba Đình; nếu đồng chí đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì không thể về làm Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm được.

Sau khi có danh sách cơ bản theo những tiêu chí, nguyên tắc như vậy, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức 4 nhóm công tác đến gặp gỡ từng đồng chí để làm công tác tư tưởng. Sau khi gặp mặt, chúng tôi báo cáo Thường trực Thành ủy giải quyết tiếp một bước theo hướng đáp ứng nguyện vọng của cán bộ.

Bằng cách làm từng bước chặt chẽ như vậy, cho nên cơ bản hơn 100 đồng chí trong 3 đợt luân chuyển đều vui vẻ. Định kỳ 6 tháng, chúng tôi lại nghe cơ sở báo cáo một lần về tình hình cán bộ luân chuyển, đáng mừng là cơ bản các đồng chí đều có sự trưởng thành, đóng góp tích cực cho địa phương.

- Phóng viên: Trong số hàng chục cơ quan, đơn vị, liên quan đến hàng nghìn cán bộ, có nơi hoặc có lúc nào xảy ra những vấn đề cần chấn chỉnh không, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: Chúng tôi luôn bám sát tình hình, qua theo dõi thì hầu hết các sở, ban, ngành cơ bản đều làm tốt. Tuy nhiên, cũng có một số nơi có hiện tượng phân biệt Hà Nội, Hà Tây. Nhưng, chúng tôi kịp thời làm việc với lãnh đạo chủ chốt để chấn chỉnh ngay.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những điều tâm đắc khi thực hiện công tác tổ chức cán bộ trong hoàn cảnh có ý nghĩa lịch sử như vậy?

- Đồng chí Nguyễn Công Soái: 10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước phát triển đi lên rất đáng phấn khởi. Đó là nhờ chúng ta làm tốt công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo biết nghĩ vì cái chung. Vì nếu cán bộ nghĩ rằng chỉ cần tập trung cho Hà Nội (trước khi mở rộng địa giới hành chính) hay Hà Tây thôi, thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn, mà đã mâu thuẫn trong nội bộ thì không tập trung làm việc được.

Ngoài ra, theo tôi, làm công tác tổ chức cán bộ phải chú trọng chọn người và phải quyết liệt thực hiện đúng nguyên tắc. Vì nếu cứ nghe người này, người kia kêu ca, rồi chiều lòng thì đội ngũ chỉ có “phình” ra thêm, chất lượng ngày càng kém đi.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học thành công về công tác tổ chức cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.