Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Võ Lâm - Khánh Ly - Ảnh: Viết Thành| 02/07/2018 09:06

(HNMO) - Ngày 2-7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVI tiến hành hội nghị lần thứ mười bốn xem xét, thảo luận, quyết định một số nội dung quan trọng.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy...

Quang cảnh hội nghị.


Hội nghị dự kiến sẽ tiến hành trong hai ngày 2 và 3-7, xem xét, thảo luận về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khoá XII) về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”; Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo về công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; Dự thảo các kế hoạch thực hiện 3 nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII); Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP Hà Nội.

7 kết quả nổi bật sau 10 năm Hà Nội hợp nhất

Mở đầu hội nghị, thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá X), Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khoá XII) về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, trong 10 năm (2008-2018), Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 15/2008/QH12, đạt được 7 kết quả nổi bật.

Trong đó, kinh tế phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; không gian kinh tế được mở rộng, phát triển. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10 năm (2008-2018) tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục phát triển như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông, du lịch - dịch vụ...

Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển, năm 2017, kim ngạnh xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2008.

Ngành du lịch phát triển nhanh, khách quốc tế tăng từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,8 lần). Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tóm tắt tại hội nghị.


Lĩnh vực công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng 8,61%/năm; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008. Ngành xây dựng phục hồi, giá trị tăng thêm đạt trung bình 7,18%/năm. Ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 239 triệu đồng, gầp gần 2 lần năm 2008.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người (gấp 3 lần so với năm 2008).

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Thủ đô tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012 (năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và cao nhất từ trước tới nay). Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Thu, chi ngân sách luôn bảo đảm theo dự toán trung ương và HĐND thành phố giao. Năm 2017, thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,76%/năm, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội gấp 2,85 lần so năm 2008, vốn nhà nước năm 2017 gấp 3,4 lần so với năm 2008.

Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố

Sau 10 năm hợp nhất, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Hà Nội đi đầu, gương mẫu, thực hiện nghiêm, có nhiều đổi mới, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của trung ương. Trong xây dựng Đảng, công tác tư tưởng, tuyên giáo có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp. Công tác tổ chức cán bộ được chọn làm khâu đột phá, thành phố thực hiện tốt công tác tư tưởng, động viên, sắp xếp, rà soát cán bộ sau hợp nhất. Công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ được thực hiện có kế hoạch, bài bản, hiệu quả. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Công tác nội chính được chú trọng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ đối với các cơ quan nội chính.

Năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được tăng cường. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của UBND các cấp có nhiều đổi mới theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả", cải cách hành chính được coi là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được tập trung chỉ đạo.

Những bước tiến mạnh của các huyện ngoại thành

Bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29-5-2008 của Quốc hội khoá XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa khẳng định, chặng đường 10 năm vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã phải giải quyết một khối lượng công việc lớn với nhiều việc không có tiền lệ, trong một thời gian rất ngắn, đặc biệt là công tác cán bộ.

Song với sự đoàn kết, thống nhất cao, toàn thành phố đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả toàn diện về mọi mặt, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, là trái tim của cả nước. 

Tại huyện Phú Xuyên, 10 năm qua, từ xuất phát điểm nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp làng nghề, đến nay huyện đã có bước chuyển mình rõ rệt. Nếu như thời điểm trước hợp nhất, thu nhập của người dân chỉ đạt 7,4 triệu đồng/người/năm thì nay con số này là 33 triệu đồng/người/năm, tăng 4 lần so với trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô...


Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương phát biểu tại hội nghị.


Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cũng có những cảm nhận về sự thay đổi toàn diện sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính. Ngoài sự quan tâm của Thường trực Thành ủy, sự gắn kết giữa quận và huyện ngày càng chặt chẽ thông qua các chương trình công tác của Thành ủy.

Một trong những chỉ tiêu nổi bật mà Mỹ Đức đạt được sau 10 năm qua là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 16,73% xuống còn 5,6%. Số trường học đạt chuẩn, làng văn hóa cũng đạt tỷ lệ cao.

Trong khi đó, theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng, một trong những thay đổi rõ nét nhất là đầu tư phát triển hạ tầng: Đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung, chương trình mục tiêu hằng năm cho huyện gấp khoảng 3 lần so với trước khi hợp nhất.

Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Ba Vì cho rằng, tiềm năng lợi thế của huyện vẫn còn rất lớn. Đồng chí kiến nghị, thành phố quan tâm, thu hút đầu tư để tạo động lực phát triển mới cho huyện.

Đồng tình rất cao với dự thảo báo cáo, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định, quyết định của Quốc hội hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển của đất nước và là quyết định hợp lòng dân. 

Dẫn chứng những bước phát triển của huyện trong 10 năm hợp nhất, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất cho biết, trong vòng 10 năm, điện, đường, trường, trạm của huyện chuyển biến rất tốt. Từ lúc tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện chỉ đạt 27% đến nay đã đạt 70%. Từ chỗ rất khó khăn về nước sạch sinh hoạt, đến nay, 70% số hộ dân đã được sử dụng nước sạch (phấn đấu 2020 đạt 100%). 

Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 10 năm trước là 9,3%, tỷ lệ này ở 3 xã thuộc Lương Sơn nay thuộc Thạch Thất lên tới trên 21%, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1,8%, ở 3 xã trên cũng chỉ còn 1,9%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2007 chỉ là 13 triệu/năm, đến nay tăng lên 52 triệu đồng/năm.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương nhấn mạnh, là huyện ngoại thành Hà Nội cũ, Thanh Trì cũng được hưởng nhiều cái lợi từ Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội. Thu nhập bình quân đầu người của Thanh Trì năm 2008 đạt 13 triệu đồng/năm, đến nay đạt 45 triệu đồng/năm; thu ngân sách của huyện năm 2008 mới đạt 197 tỷ đồng; năm 2018 dự kiến con số này tăng gấp gần 10 lần đạt 1.747 tỷ đồng.

Thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp 10 năm trước mới đạt 70 triệu đồng/ha, nay đã tăng lên gấp 3 lần, đạt hơn 210 triệu đồng/ha.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, tạo bước đột phá phát triển

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho. 

Đồng chí chia sẻ: “Khi mới hợp nhất, nhiều huyện mới có hơn 30% số cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học, đến nay hầu hết đều đã đạt 100% cán bộ chủ chốt có trình độ đại học. Quá trình thực hiện công tác cán bộ sau hợp nhất không xảy ra khiếu kiện. Đây là kết quả nổi bật lớn nhất, thể hiện bước tiến bộ vượt bậc”.

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, một đặc điểm nổi bật của Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính là có số đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ lớn so với cả nước, qua 10 năm, thành phố đã bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo chu đáo, đúng quy định, đầy đủ ở mức cao so với cả nước đối với các đối tượng chính sách.

Hầu hết ý kiến phát biểu tại hội nghị đều có những dẫn chứng xác đáng về kết quả tích cực sau 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) và Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng làm rõ một thực tế là không ít tiềm năng, lợi thế của các địa phương chưa được khai thác hiệu quả; đòi hỏi thành phố cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho rằng, hiện nay các đô thị vệ tinh theo quy hoạch phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng. Thành phố cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư tạo những "cú hích" phát triển mới cho các đô thị vệ tinh trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê kiến nghị, xây dựng nông thôn mới đang có đà rất tốt, thành phố cần tiếp tục quan tâm, đầu tư tăng tốc phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Bên cạnh tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, cần chú trọng hỗ trợ các huyện phát triển các thị tứ để tạo ra các điểm dịch vụ, thương mại phục vụ nông dân...


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị.


Tóm tắt phần thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp thu đầy đủ 10 ý kiến phát biểu, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung mới trong các ý kiến cần bổ sung, nhấn mạnh thêm vào báo cáo như: Sau hợp nhất, tình đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân được nhân lên rất nhiều; phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp được cải thiện; cải cách hành chính có bước đột phá, kỷ cương, kỷ luật cán bộ được nâng lên; văn hoá các vùng miền được phát huy; sắp xếp kiện toàn bộ máy sau 10 năm rất tốt.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Theo Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày, từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, thu hút đầu tư đạt khá, các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, bảo đảm cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; công nghiệp, thương mại, du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển ổn định. Các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng cao hơn cùng kỳ. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tính theo phương pháp mới tăng 7,07% (phương pháp cũ tăng 7,78%), mức cùng kỳ năm trước là 6,64%. Trong đó, dịch vụ tăng 7,04% (cùng kỳ năm trước là 6,47%), công nghiệp - xây dựng tăng 7,72% (cùng kỳ năm trước là 7,14%) và nông- lâm - thủy sản tăng 2,99% (cùng kỳ năm trước là 2,92%).

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,4% (cùng kỳ 3,86%) và thành phố đã bảo đảm cung ứng hàng hóa cho nhân dân, không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm. Việc thí điểm thực hiện quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận đến nay có 577/887 cửa hàng được cấp biển nhận diện (đạt tỷ lệ 65,1%). Sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi, giá nông sản ổn định. Đáng chú ý, kế hoạch xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm; đã hoàn thành thẩm tra, chấm điểm và hoàn thiện thủ tục công nhận 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 294 (đạt 76,2%).

Báo cáo cũng cho thấy, môi trường đầu tư thành phố tiếp tục được cải thiện và thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Chỉ số PCI năm 2017 tăng 1 bậc (xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố); chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 1 bậc (đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố). Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 397 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm ước thực hiện 128,9 nghìn tỷ đồng (tăng 9,9%). Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD (gấp 5,4 lần cùng kỳ và tạm vượt lên đứng đầu cả nước); lũy kế đến nay có 4.330 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 33,38 tỷ USD (trong đó đã giải ngân khoảng 15,4 tỷ USD). Việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân được thành phố quan tâm, đã duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng và có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 124 nghìn tỷ đồng.

Xây dựng Đảng có nhiều đổi mới


Theo báo cáo về công tác xây dựng Đảng do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày, 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù có nhiều việc lớn, việc khó, tiến độ khẩn trương nhưng với tinh thần quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ thành phố đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Đồng thời, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.


Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo về công tác xây dựng Đảng. 


Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành kiểm điểm năm 2017 với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, đề cao ý thức tự phê bình và phê bình; chỉ đạo khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục những khuyết điểm, yếu kém trên nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Với tinh thần cầu thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch khắc phục các khuyết điểm, hạn chế theo Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và báo cáo Trung ương về kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo quy định.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII trong toàn Đảng bộ thành phố bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra; chỉ đạo kịp thời xây dựng dự thảo các kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm, giải pháp khả thi, có lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Bên cạnh đó, Thành ủy đã chỉ đạo sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và các tỉnh có liên quan. Đồng thời, nhằm chuẩn bị những luận cứ khoa học phục vụ việc xây dựng văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU về nghiên cứu khoa học trọng điểm TP Hà Nội.

Thành ủy cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn trong năm 2018, các nhiệm vụ chính trị của thành phố với trọng tâm là về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước năm 2017, nhiệm vụ năm 2018; kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội. Công tác bồi dưỡng - đào tạo lý luận chính trị được duy trì nền nếp. Công tác khoa giáo, báo chí xuất bản, văn hóa - văn nghệ được quan tâm chỉ đạo, công tác dư luận xã hội tiếp tục được nâng cao chất lượng…

Một số chỉ tiêu đạt mức cao nhất trong 6 năm qua

Mở đầu phiên làm việc chiều 2-7, các đại biểu đã thảo luận về kết quả kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018. Đáng chú ý, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh nêu thêm về một số điểm sáng trong bức tranh thu ngân sách của Thủ đô. Cụ thể, tổng thu ngân sách đến ngày 30-6 đạt 52% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu từ thuế sản xuất kinh doanh tăng 21,4% so với cùng kỳ, thuế VAT tăng 24,9%, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 25,4%... Các chỉ số này đều cao hơn so với mức bình quân của cả nước, một số chỉ tiêu cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Theo Cục trưởng Cục Thuế, đạt được kết quả trên, trước hết là do kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng cao, nhất là 6 tháng đầu năm nay; thứ hai là kết quả thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố có chuyển biến tốt; tiếp đến là công tác quản lý thuế chặt chẽ hơn, công tác phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện trong đôn đốc thu nợ thuế cũng tốt hơn. Tính đến 30-6-2018, tổng số nợ thuế có khả năng thu của thành phố còn 13 nghìn tỷ đồng (giảm 8 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2017), chiếm khoảng 5% so với tổng thu.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, trong 6 tháng đầu năm, ngành có 3 chỉ tiêu thì 2 chỉ tiêu tăng, 1 chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ. Trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương phấn đấu tham mưu để thành phố xét duyệt thêm 14 cụm công nghiệp; công nhận 32 sản phẩm công nghiệp chủ lực; cấp thêm gần 300 điểm kinh doanh trái cây an toàn… Sở cũng sẽ tập trung quản lý chặt hoạt động kinh doanh đa cấp; kinh doanh trực tuyến để bảo đảm chất lượng, xuất xứ hàng hóa…

Về công tác xây dựng Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Phan Chu Đức cho biết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung, triển khai hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, qua đó đã củng cố được 49/68 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng 6 tháng cuối năm là triển khai đánh giá cán bộ hằng tháng từ ngày 1-7. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần bám sát bộ tiêu chí khung của thành phố để xây dựng khung tiêu chí đánh giá sát với đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch công tác hằng tuần, hằng tháng, lượng hóa được để đánh giá thực chất.


Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kết luận phiên thảo luận chiều nay.


Kết luận phiên thảo luận, ghi nhận, đánh giá cao 11 ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn khẳng định, những kết quả đã đạt được trong 6 tháng cuối năm là cơ sở quan trọng để TP Hà Nội đánh giá giữa nhiệm kỳ và đối chiếu với những chỉ tiêu đã đề ra. Báo cáo của TP Hà Nội cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, đặc biệt là tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo, thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, giúp nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP Hà Nội đạt và vượt kế hoạch. 

Nhận định nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình công tác của Thành ủy, tăng cường đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, tích cực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

* Trong phiên làm việc buổi chiều, sau phần thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, hội nghị đã nghe Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP Hà Nội, dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” (Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018) và dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” (Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018).

Trước đó, hội nghị đã nghe Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày dự thảo Kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018)

Ngày 3-7, hội nghị tiếp tục làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI thảo luận nhiều nội dung quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.