Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn

Kim Nhuệ| 03/07/2018 06:52

(HNM) - Những đột phá đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn là một trong những kết quả nổi bật nhất của TP Hà Nội sau 10 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính.

Đổi thay tích cực

Trở lại các địa phương thuộc khu vực điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô dễ dàng nhận thấy sự khác biệt tích cực về kết cấu hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế... so với 10 năm trước. Hàng chục trạm biến áp, tuyến đường dây hạ thế được đầu tư xây mới, xóa "điểm trắng", nâng cao chất lượng nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), Đông Xuân (huyện Quốc Oai)... Ông Hoàng Phương, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung khẳng định: "Nếu không hợp nhất với TP Hà Nội thì không biết đến khi nào Yên Trung và các xã trước đây thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) mới có được hệ thống hạ tầng, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới như ngày nay".

Đầu tư hệ thống hạ tầng tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Bá Hoạt


Hiện, đi từ trung tâm thành phố đến các xã miền núi: Ba Trại, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức)... chỉ bằng 1/3 thời gian so với những năm trước 2008. Hàng trăm kilômét đường liên thôn, liên xã, liên huyện đã được thành phố đầu tư xây dựng mới, mặt đường được mở rộng, thảm bê tông, nhựa phẳng lỳ thay những con đường đất đỏ, lồi lõm, trơn trượt, bụi bặm... Ông Nguyễn Bá Minh, Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) cho rằng, An Phú của Mỹ Đức và các xã miền núi của huyện Ba Vì đã "thoát" diện "đặc biệt khó khăn" vì được thành phố quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng...

Trước đây, hàng chục nghìn hộ dân ở các xã: Hữu Văn, Lam Điền, Hoàng Diệu, Phú Nam An... của huyện Chương Mỹ mong ước có cầu bắc qua sông Tích, sông Bùi, sông Đáy để rút ngắn thời gian, khoảng cách đi lại, phát triển kinh tế, xã hội... Nhưng vì huyện nghèo, nguồn lực đầu tư hạn chế nên những cây cầu Hòa Viên, Văn Phương, Thuần Lương, Yên Trình, Đồng Mơ... chỉ "tồn tại trên giấy". Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: "Nếu không có việc điều chỉnh địa giới hành chính, không được thành phố quan tâm đầu tư thì hàng chục năm nữa huyện Chương Mỹ cũng không thể hoàn thành những cây cầu này và có được kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như hiện nay". Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư hơn 2.917 tỷ đồng cho huyện Chương Mỹ phát triển kết cấu hạ tầng...

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, 10 năm qua, các quận đã hỗ trợ hơn 380 tỷ đồng cho các huyện xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nhân dân các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... không phải sinh hoạt văn hóa, họp hành tại đình làng, kho hợp tác xã; thanh, thiếu niên có thêm nơi vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao, văn nghệ...

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng nông thôn gắn với đô thị


Để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngoại thành phát triển, đặc biệt là những địa phương thuộc khu vực điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã đầu tư cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn hơn 25.093 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm nên hiện nay toàn thành phố đã có 100% số xã (386 xã), đạt tiêu chí về hạ tầng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất; 368 xã đạt tiêu chí giao thông; 377 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 318 xã đạt tiêu chí trường học; 357 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 350 xã đạt tiêu chí hạ tầng thương mại... Với thành quả này, TP Hà Nội được Trung ương đánh giá là đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, những năm tới thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, thành phố sẽ đầu tư cho 18 xã chưa đạt tiêu chí về giao thông, 9 xã chưa đạt tiêu chí thủy lợi, 68 xã chưa đạt tiêu chí trường học, 29 xã chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 36 xã chưa đạt tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn... tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn sẽ theo hướng hiện đại gắn với định hướng phát triển đô thị...

Với mục tiêu trên, thành phố yêu cầu các huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động nguồn lực đầu tư từ đấu giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư của thành phố... Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, trình Chính phủ điều chỉnh chỉ giới phân lũ thuộc lưu vực các sông chảy qua địa bàn TP Hà Nội cho phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho các xã, thôn ven sông trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng...

Từ phía cơ sở, các huyện, thị xã kiến nghị thành phố sửa đổi quy định về trách nhiệm đối ứng của cấp xã trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, đấu giá quyền sử dụng đất; bố trí đủ kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng theo kế hoạch đã được các cấp phê duyệt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.