Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu, ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ

Quốc Bình| 16/07/2018 20:15

(HNMO) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Kế hoạch số 96-KH/TU ngày 13-7-2018 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.


Trong 3 nhóm mục đích, yêu cầu nêu trong Kế hoạch, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu căn cứ Nghị quyết và Kế hoạch của Trung ương, Thành ủy, đánh giá tình hình và yêu cầu thực tế tại đơn vị mình để chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, sát, đúng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có hiệu quả.

Kế hoạch tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Nhiệm vụ chung thực hiện thường xuyên và nhiệm vụ cụ thể đối với từng tổ chức. Trong đó, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 20 nhiệm vụ chung yêu cầu các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, Thành ủy yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ. Các cấp, các ngành xây dựng đồng bộ, toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng; chú trọng nâng cao chất lượng bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Các cấp, các ngành quán triệt để cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về hậu quả của chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; nhận diện rõ các biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền và có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Thành ủy phân công nhiệm vụ cụ thể theo 11 nhóm. Mỗi cơ quan, tổ chức đều được nêu rõ nhiệm vụ, đầu việc cụ thể. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện sự tiên phong, gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết. Ban Thường vụ Thành ủy còn có nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là bí thư cấp ủy và người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo Kết luận số 22-KL/TƯ của Bộ Chính trị. Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố phối hợp đề xuất, tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy những chính sách, chế độ đặc thù của thành phố về cán bộ và công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết. Ban Cán sự đảng UBND thành phố thực hiện 8 đầu việc, trong đó ngay trong năm 2018 xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên phù hợp với điều kiện, tình hình của thành phố; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Ban Tổ chức Thành ủy được giao chủ trì 10 nhóm nhiệm vụ với trên 30 đầu việc khác nhau. Trong đó, ngay trong tháng 8-2018, Ban Tổ chức Thành ủy phải tham mưu xây dựng quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017. Ban cũng có nhiệm vụ xây dựng cơ chế thí điểm khoán kinh phí đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã. Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban cũng phải tham mưu quy định cụ thể hóa về nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm; về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm nhằm thực hiện chủ trương “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”.

Các quận, huyện, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc Thành ủy có 3 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong năm 2018. Đáng chú ý, mỗi nơi đều phải thực hiện chủ trương thường trực cấp ủy ở địa phương định kỳ tiếp dân. Bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ và cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ với khu dân cư. Đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt Đảng tại chi bộ khu dân cư. Cấp ủy địa phương cũng phải thực hiện ngay việc phân công cán bộ, đảng viên cư trú tại địa phương phụ trách hộ gia đình nơi cư trú để lắng nghe tâm tư, gắn bó mật thiết với người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu, ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.