Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hà Phong| 09/08/2018 06:40

(HNM) - Ngày 8-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 26.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chiều cùng ngày, các đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 119 điều, hướng vào các nhóm chính sách gồm: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở bậc trung học phổ thông (THPT)… Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải xây dựng luật, nhưng đề nghị cân nhắc kỹ quy trình tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào đại học sao cho hiệu quả.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ban đã nhận được phản ánh của nhiều cử tri và chuyên gia cho rằng, việc giao cho địa phương tổ chức kỳ thi “hai trong một” xảy ra nhiều vụ việc phức tạp. Có ý kiến cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tới 98% - nghĩa là với 1 triệu thí sinh chỉ lọc ra khoảng 200 em trượt (2%) thì tổ chức cả một kỳ thi vừa tốn kém, vừa tạo ra tâm lý căng thẳng cho phụ huynh, học sinh và cả cán bộ ngành Giáo dục là không cần thiết. Theo Trưởng ban Dân nguyện, nếu vẫn giữ kỳ thi "hai trong một" thì khâu tổ chức thi, cơ sở hạ tầng, ngân hàng đề thi… đều phải rà soát lại.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và một số đại biểu kiến nghị, thi THPT là vấn đề liên quan toàn dân, tác động lớn đến xã hội, nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về cách thức tổ chức. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một luật tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội và thuận lợi trong thi hành. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.