Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 09/08/2018 08:46

(HNMO) - Sáng 9-8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc tại Sở Văn hóa và Thể thao


Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường

Báo cáo Bí thư Thành ủy về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2019-2020, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, hiện nay, Ban Giám đốc Sở gồm 4 người. Sở có 9 phòng, 16 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc với 1.695 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trong đó 1.558 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp. Sở còn quản lý 3.079 vận động viên, 419 huấn luyện viên, 144 nghệ sĩ. Đảng bộ Sở có 32 chi bộ trực thuộc với 475 đảng viên.

Kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Sở Văn hóa và Thể thao được thể hiện trên 11 nội dung. Nổi bật là Đảng bộ Sở luôn bám sát sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy Hà Nội và Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố để triển khai các nhiệm vụ được giao; trong đó tập trung thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” của thành phố. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được tăng cường, kiểm soát tốt, không để xảy ra các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân. Sở cũng đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; tham mưu giám sát việc thực hiện chương trình tại 12 sở, ngành, quận, huyện, thị xã và ban hành kế hoạch về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020.

Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan được triển khai chủ động, có nhiều đổi mới. Công tác gia đình được chú trọng, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì hiệu quả thực hiện việc cưới, việc tang văn minh. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại 5.922 di tích và tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản. Phong trào thể dục thể thao gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát triển sâu rộng, hướng về cơ sở. 38% số người dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; 28% số hộ là gia đình thể thao. Thể thao thành tích cao đạt 1.010 huy chương trong và ngoài nước. Hà Nội đóng góp 28,1% số vận động viên cho đội tuyển quốc gia tham dự ASIAD 2018 tại Indonesia...

Báo cáo của Sở cũng chỉ rõ 8 hạn chế, tồn tại; 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2018 và giai đoạn 2019-2020; 6 nhóm kiến nghị, đề xuất.

Đáng chú ý, Sở Văn hoá và Thể thao đánh giá, các mô hình văn hoá còn biểu hiện hình thức; công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mới có kết quả bước đầu; 2 quy tắc ứng xử chưa thực sự đi vào đời sống hằng ngày; nhiều di tích xuống cấp chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời; công tác phối kết hợp với ngành Du lịch để phát triển, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hoá đặc thù, đặc trưng của Thủ đô còn hạn chế. Một số nội dung, nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hoá thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố như: Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá Thủ đô; xây dựng đề án tổng thể xã hội hoá các cơ sở nhà hát và trung tâm thuộc Sở...

Theo gợi ý của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nổi cộm của ngành Văn hoá và Thể thao hiện nay. 19 ý kiến trao đổi đã làm rõ nhiều vấn đề: Việc khai thác các thiết chế văn hoá như Bảo tàng Hà Nội, Văn miếu Quốc Tử Giám; vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, trong đó có 6 đơn vị nghệ thuật; vấn đề bảo hiểm nghề nghiệp của vận động viên, huấn luyện viên thể thao; việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích... Đáng chú ý, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử sắp tới phải có thêm những giải pháp khác biệt như huy động sự vào cuộc của các nhà khoa học, chuyên gia; kết hợp các lực lượng tuyên truyền và tính tới việc khai thác mạng xã hội để đẩy mạnh việc thực hiện. Đồng chí cũng cho rằng, Sở cần sớm cụ thể hoá việc xây dựng kế hoạch thực hiện công nghiệp văn hoá...

Phát triển văn hoá Hà Nội xứng đáng với vị trí Thủ đô


Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao chất lượng buổi làm việc, tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Đánh giá kết quả công tác của ngành Văn hoá và Thể thao, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, văn hoá, thể thao là một trong những lĩnh vực có kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua. Các lĩnh vực công tác của ngành tiếp tục phát triển, có nhiều sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về nhiều lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể thao thành tích cao. Công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao từ thành phố xuống cơ sở có nhiều tiến bộ, tích cực cải cách hành chính. Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Hoàng Trung Hải biểu dương toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, diễn viên, huấn luyện viên, vận động viên... ngành Văn hoá và Thể thao đã nỗ lực cao, đóng góp thành tích cho thành phố.

Lưu ý về một số hạn chế còn tồn tại, những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy cho rằng, bạn bè trong và ngoài nước dành nhiều lời khen cho văn hoá của Hà Nội, nhưng cũng góp ý nhiều hạn chế còn tồn tại. Ngành Văn hoá và Thể thao phải tiếp thu nghiêm túc những góp ý đó để tập trung khắc phục. Đồng chí nhấn mạnh, phải khắc phục ngay tình trạng mất đoàn kết ở một số chi bộ; siết chặt quản lý di tích, trước mắt kiểm điểm nghiêm khắc các tập thể cá nhân liên quan đến sai phạm trong tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá (huyện Ứng Hoà); tăng cường phong trào thể thao học đường... 

"Hà Nội là nơi hội tụ văn hoá của cả nước, kết tinh văn hoá Thăng Long, văn hoá xứ Đông, xứ Đoài. Chúng ta có trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vinh dự, đó là vai trò Thủ đô của cả nước. Văn hoá Hà Nội phải phát triển xứng đáng với vị trí Thủ đô, phải thật đặc sắc, để người dân cả nước đặt lòng tin vào Thủ đô như người anh cả trong gia đình" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu Sở Văn hoá và Thể thao phải quan tâm sâu sắc đến chất lượng các hoạt động văn hoá; giúp thành phố xây dựng bằng được môi trường văn hoá và thể thao ngày càng tốt hơn.

Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, việc mở ra không gian văn hoá mới là phố đi bộ đã giúp cho quận Hoàn Kiếm tăng nguồn thu từ hơn 5.000 tỷ đồng/năm lên hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Điều này cho thấy, văn hoá là nền tảng, nếu được khai thác tích cực sẽ tạo động lực cho sự phát triển mạnh về kinh tế. 

Đồng tình với 5 nhóm nhiệm vụ mà Sở đề ra từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Sở Văn hoá và Thể thao không chủ quan, tiếp tục rà soát lại, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu liên quan đến ngành trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Nhấn mạnh hình ảnh của một địa phương, một đất nước trong mắt bạn bè đầu tiên chính là văn hoá, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, các ngành thành phố, từng người dân Hà Nội, trước tiên là cán bộ ngành Văn hoá và Thể thao, phải nỗ lực phấn đấu, có trách nhiệm hơn nữa trong xây dựng nếp sống văn hoá. Khẳng định thành phố sẽ kiên quyết dành đất, dành nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá, đồng chí chỉ đạo Sở tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, các chương trình công tác của Thành ủy, quan tâm sâu sắc hơn đến công tác gia đình, xây dựng văn hoá gia đình. Những trường hợp ứng xử đẹp phải được tuyên truyền mạnh bên cạnh việc lên án những hành vi ứng xử xấu. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử phải được ăn sâu vào đời sống hằng ngày, biến thành nếp sống văn hoá của mỗi gia đình, tập thể và cá nhân. 

"Hà Nội là siêu đô thị với 10 triệu dân và sẽ ngày càng lớn hơn. Nếu chúng ta không xây dựng được nếp sống văn hoá thì rất khó duy trì môi trường xã hội bình yên. Trong hoàn cảnh khó khăn như lũ lụt ở Chương Mỹ vừa qua, hàng xóm phải tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ nhau trông nom người già, trẻ em... Đó chính là văn hoá" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Trao đổi về những kiến nghị, đề xuất được nêu ra tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, về bảo tồn, tôn tạo di tích, Ban cán sự Đảng UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng đề án theo hướng bảo tồn, tôn tạo lâu dài, tránh tư duy chống xuống cấp kiểu qua loa, tạm bợ, rồi một vài năm lại phải đầu tư làm lại. 

Để khắc phục tình trạng quảng cáo lộn xộn trên địa bàn thành phố, trên cơ sở quy hoạch, Sở Văn hoá và Thể thao phải phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường quản lý, thực hiện nghiêm. 

Đối với việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tiến hành thận trọng, có lộ trình bảo đảm duy trì và phát huy nghệ thuật truyền thống; tuyệt đối không thực hiện máy móc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động của các đơn vị liên quan. Sở Văn hoá và Thể thao chủ động chuẩn bị sớm các công việc liên quan đến SEA Games 31 và Para Games 11; quyết liệt thực hiện dự án trưng bày của Bảo tàng Hà Nội; kiên quyết hoàn thành quyết toán các dự án, công trình xây dựng cơ bản của ngành; chuẩn bị báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm giải quyết dứt điểm việc bàn giao liên quan đến Hoàng thành Thăng Long, thống nhất quản lý di tích, di vật...

Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hoá và Thể thao Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng văn hoá, thể thao Thủ đô tiếp tục dẫn dầu cả nước, thực sự tiêu biểu, như lời Bác Hồ dạy là làm gương cho cả nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Tô Văn Động khẳng định sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, thực hiện các nhiệm vụ Bí thư Thành ủy giao, xây dựng văn hoá, thể thao Thủ đô ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.