Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị toàn quốc góp ý về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã

Hiền Thu| 09/08/2018 14:56

(HNMO) – Ngày 9-8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.


Theo báo cáo tóm tắt Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, quá trình sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa; hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, quá trình chia, tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế như: Bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước; không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương, gây xáo trộn đời sống nhân dân…

Báo cáo cũng chỉ rõ, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định là rất lớn. Có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó, 259 đơn vị (chiếm 36,33%) chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; 18 đơn vị (chiếm 2,52%) đồng thời chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số. 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó, 6.191 đơn vị (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% của một trong hai tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; 637 đơn vị (chiếm 5,71%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Theo dự thảo Đề án, từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì chỉ thực hiện một lần sáp nhập…

Tại hội nghị, hầu hết đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ủng hộ chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, đồng thời, tiếp tục góp ý về một số nội dung dự thảo Đề án. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần làm đồng bộ, chỉ tiến hành một lần, không nên chia thành 2 giai đoạn, để bảo đảm giữ ổn định, tránh xáo trộn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; cần lấy ý kiến nhân dân qua những tổ chức đoàn thể, các khu phố, bản làng và khi có trên 50% ý kiến đồng thuận thì mới triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị quy định chế độ chính sách giải quyết đối với cán bộ dôi dư sau khi thực hiện Đề án sao cho thống nhất cách làm giữa các địa phương…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhằm tăng quy mô đơn vị hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tinh gọn số lượng đơn vị hành chính, tinh giản số lượng công chức, viên chức, tiết kiệm ngân sách trong chi thường xuyên… là đúng đắn. Điều quan trọng là các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và ủng hộ. Đồng chí nêu rõ, về việc lấy ý kiến nhân dân thì trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định rõ, vì vậy cần thực hiện đúng quy định hiện hành, thể hiện đúng bản chất Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đặc biệt, việc lấy ý kiến phải thực chất.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thống nhất với việc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, quy định các trình tự, thủ tục rút gọn, đơn giản khi trình các cấp có thẩm quyền về nội dung đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, cũng như cần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, công chức, viên chức, các chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt , phải trân trọng các cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia trong việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở thời gian qua, có chế độ chính sách rõ ràng với họ.

Cùng với việc đề nghị các bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương mình từ nay đến năm 2021, gửi Bộ Nội vụ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị toàn quốc góp ý về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.