Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất nhiều giải pháp, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc

Hiền Thu| 13/08/2018 13:49

(HNMO) - Sáng 13-8, trong phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải… cùng tham gia trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn này. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri và dư luận xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn lĩnh vực liên quan hai bộ. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ trưởng xác định trách nhiệm và nêu giải pháp, lộ trình khắc phục điểm còn hạn chế trong phần trả lời của mình.

Trong một buổi sáng, có 33 đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận. Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề chính sách đối với đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao, thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên? Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi, các chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều nhưng cần khắc phục gì để hoàn thiện?


Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện cả nước có hơn 1,6 triệu hộ nghèo. Số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 864.000 hộ, chiếm hơn 55%. Tỷ lệ người nghèo của đồng bào dân tộc trong tổng số người nghèo của cả nước chiếm tới 52,66%. Trong đó, thu nhập bình quân chỉ đạt 7-8 triệu đồng/người/năm với nhiều nhóm dân tộc ở nhiều vùng, bằng 1/5 mức bình quân cả nước.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ảnh:quochoi.vn


“Ngay khi nhận nhiệm vụ vào tháng 4-2016, tôi đã tích cực phối hợp với Chính phủ và hệ thống của ngành mình tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chính sách đặc thù hỗ trợ kinh tế - xã hội cho đồng bào miền núi, nhằm hỗ trợ đồng bào có đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất…” - Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng đưa ra một số giải pháp: Phát triển đồng bộ hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục, đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư; phát triển sản xuất và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước… Đặc biệt, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề xuất nghiên cứu tích hợp các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong 10 năm để đầu tư thỏa đáng, hướng tới tăng vay ưu đãi, giảm cho không.

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách và nỗ lực thực hiện. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành 116 chính sách với dân tộc thiểu số và miền núi, bao phủ hết mọi lĩnh vực, qua đó, cải thiện đáng kể về hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, trong việc thực hiện chính sách dân tộc còn một số tồn tại, hạn chế: Chính sách còn có tính nhiệm kỳ nên có mặt chưa cao, một số chính sách còn nặng hỗ trợ trực tiếp, chưa tạo động lực để người dân vươn lên tự thoát nghèo…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận các kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị của Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến về việc tích hợp chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia.

“Việc này đòi hỏi phải có sự sơ kết, tổng kết, đánh giá kỹ; giao các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng đề cương và đề xuất đảm bảo tính khoa học, thực tiễn để thực thi” - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều giải pháp, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.