Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn đổi mới phong cách lãnh đạo

Hiền Lương| 15/08/2018 08:50

Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo các cấp của TP Hà Nội đã chủ động đổi mới phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc, tạo dấu ấn rõ nét, mang lại những chuyển biến tích cực từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay. Báo Hànộimới có loạt bài xung quanh vấn đề này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ mở rộng phường Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Viết Thành

Bài 1: "Nói không" với bệnh quan liêu


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh: “Làm cán bộ rất dễ quan liêu, đôi khi do công việc kéo đi cũng thành quan liêu”. Quyết tâm "nói không" với quan liêu, lãnh đạo thành phố luôn chú trọng gần dân, tiếp xúc trực tiếp với dân, nắm chắc tình hình thực tiễn trước khi ra quyết định lãnh đạo, chỉ đạo.

Gần dân, sát cơ sở

Hàng nghìn hộ dân ở Chương Mỹ vừa trải qua đợt ngập lụt lịch sử do lũ rừng ngang đổ về kèm mưa lớn cục bộ. Cùng với thiệt hại lớn về người và tài sản, sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn vì nhà cửa ngập sâu suốt nhiều ngày. Trước tình hình trên, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã cử các đoàn công tác do các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy xuống động viên nhân dân và chỉ đạo công tác ứng phó. Ngày 4-8, trước nguy cơ mưa lũ tiếp tục kéo dài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trực tiếp kiểm tra tình hình, chỉ đạo các giải pháp căn cơ, lâu dài. Lội nước vào thăm các hộ gia đình ở thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ), đồng chí Bí thư Thành ủy thăm hỏi, tìm hiểu kỹ từ vấn đề lương thực, thực phẩm, đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ. Đồng chí lưu ý: “Bà con mình bảo ban nhau phải giữ đừng để ai bị đuối nước. Trẻ con đi học phải được an toàn”.

Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với vùng bị ngập lụt đã lan tỏa, tạo thành phong trào hỗ trợ to lớn cả về vật chất và tinh thần cho bà con. Giờ đây, khi mưa đã tạnh, lũ đã rút, đọng lại trong dân là niềm tin vào tương lai bởi trong khó khăn, hoạn nạn, bà con luôn nhận được tình cảm, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang. Đúng như phản ánh của Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng trong những ngày ngập lụt nặng nhất: "Bà con cảm thấy rất vững tin và ấm lòng".

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ cháy ở chợ trung tâm thị trấn Sóc Sơn, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản đã trực tiếp xuống nắm bắt tình hình, chỉ đạo các giải pháp cấp bách cần làm ngay. Lãnh đạo thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Sóc Sơn nhanh chóng làm việc với người dân để đi đến thống nhất về việc hỗ trợ thiệt hại ban đầu nhằm ổn định cuộc sống, kinh doanh; làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan... Sự vào cuộc kịp thời của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của thành phố đã giúp dân yên lòng.

Song song với việc giảm họp, nâng cao chất lượng các hội nghị thì đi cơ sở, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và nhân dân đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình công tác thường xuyên của lãnh đạo thành phố. Từ đầu năm đến nay, không chỉ có các cuộc làm việc với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành, riêng đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã về dự sinh hoạt Đảng ở 3 đảng bộ cơ sở là xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất), phường Thành Công (quận Ba Đình) và thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh). Các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đầu các đoàn kiểm tra làm việc với cấp ủy cơ sở vừa nắm bắt tình hình, vừa định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tính chung từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Thành ủy đã tổ chức 15 đoàn giám sát, 28 đoàn kiểm tra đối với 112 lượt ban thường vụ cấp ủy trực thuộc; qua đó đã tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả các mặt công tác trọng tâm.

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp công dân quận Đống Đa. Ảnh: Bá Hoạt


Kiên quyết "nói không" với quan liêu, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các tầng lớp nhân dân. Đồng chí nói: “Trong hệ thống hành chính hay hệ thống Đảng, nếu chúng ta không thường xuyên tiếp thu những ý kiến trái chiều thì rất dễ rơi vào bẫy quan liêu. Chúng ta phải coi trọng, tiếp nhận thông tin trên tinh thần xây dựng để tự sửa mình”.

Từ quyết tâm đi tới hành động, lãnh đạo thành phố cụ thể hóa bằng việc ban hành các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm tiếp xúc, đối thoại giữa cán bộ lãnh đạo trong toàn hệ thống chính trị với nhân dân. Đầu tiên là Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”, tiếp đó là Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”; đầu năm 2018 là Quyết định số 3223-QĐ/TU ngày 19-1-2018 ban hành quy định về quy trình tiếp công dân, đảng viên, xử lý đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan thành phố đã tiếp trên 67.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý gần 83.000 đơn thư các loại. Trên 7.500 vụ khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết, qua đó kiến nghị thu hồi 6,16 tỷ đồng và trên 27.000m2 đất; hoàn trả cho công dân 8,79 tỷ đồng và 2.249m2 đất; chuyển cơ quan điều tra 15 vụ việc, trong đó có những việc kéo dài nhiều năm, gây bức xúc dư luận.

Không khí dân chủ lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị. Hằng năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo thành phố đều dành nhiều buổi để tiếp xúc với các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, đại biểu giới trí thức, các văn nghệ sĩ, nhà khoa học, phóng viên, biên tập viên... Chủ tịch UBND thành phố tiếp xúc đối thoại với công nhân ở các khu công nghiệp. Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn định kỳ đối thoại với dân, tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phản ánh những vấn đề dân sinh bức xúc... Vai trò phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên một bước, tích cực tham gia phản biện, đóng góp xây dựng những chính sách quan trọng của thành phố. Chỉ tính riêng năm 2017, các cấp MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức hơn 300 hội nghị phản biện xã hội. Nhờ đó, những quyết sách của thành phố ban hành đều phù hợp, được nhân dân đồng thuận thực hiện.

“Trong mọi công việc luôn xác định "nhân dân là gốc", sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân là yếu tố quyết định của mọi thành công” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn đổi mới phong cách lãnh đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.