Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Luôn hướng về phía trước

Hiền Lương| 17/08/2018 06:44

(HNM) - Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến ấn tượng, nhưng quyết tâm đổi mới phong cách lãnh đạo của cấp ủy các cấp TP Hà Nội vẫn gặp phải những trở lực không nhỏ...

Gần dân, sâu sát cơ sở là giải pháp chủ động giải quyết các vấn đề từ thực tiễn. Ảnh: Trọng Tùng


Trên nóng, dưới còn lạnh?

Trước những bức xúc của người dân liên quan đến dự án nghĩa trang Bãi Xém, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên đã trực tiếp đối thoại với người dân phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy). Với thông điệp “Dù phương án nào đi nữa thì dự án chỉ được triển khai khi có sự đồng ý của người dân", cuộc đối thoại đã khiến nhân dân yên lòng, giữ ổn định tình hình địa bàn. Không riêng vụ việc trên, mỗi khi phát hiện có ý kiến nhân dân hay đơn thư, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên phụ trách địa bàn đều rốt ráo vào cuộc, tổ chức tiếp xúc, đối thoại với dân để giải quyết. Tại huyện Phúc Thọ, mỗi khi trên địa bàn xã, thị trấn xảy ra khiếu kiện, lãnh đạo huyện tổ chức đối thoại với dân, mời cả lãnh đạo xã tham gia. Những cuộc trao đổi thẳng thắn như vậy thường làm giảm bức xúc. Không chỉ vậy, việc lãnh đạo huyện đối thoại với dân còn được định kỳ tổ chức nên Phúc Thọ là địa phương ít khi xảy ra khiếu kiện vượt cấp, hầu như không có vụ việc nổi cộm.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện tốt vai trò, làm hết trách nhiệm trong việc đối thoại với dân, giải quyết đơn thư. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, vẫn còn tình trạng né tránh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân; đùn đẩy cho cấp trên. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, còn hiện tượng giải quyết đơn thư, bức xúc của dân kiểu "làm cho có" chứ không nỗ lực đi đến tận cùng vụ việc... Thực tế, nhiều vụ việc lãnh đạo thành phố phải trực tiếp xuống trao đổi để ổn định tình hình, khi mà lẽ ra cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động đối thoại sớm với dân.

Trong khi cấp thành phố nỗ lực đổi mới phong cách lãnh đạo thì tình trạng chậm đổi mới, thiếu quyết tâm vẫn diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức. “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, bức xúc, thậm chí “điểm nóng”; cấp ủy cấp trên trực tiếp chậm có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời, hiệu quả” - Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Thành ủy Hà Nội nêu rõ. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Viết Lưu cũng nhận định, ở cấp cơ sở còn hiện tượng chưa gần dân, chưa có nhiều sáng tạo trong tư duy và hành động.

Tình trạng trên nóng, nhưng dưới vẫn lạnh khiến việc thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị của thành phố chưa đạt hiệu quả tối đa, còn bộc lộ những hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô còn chậm, nhất là khu vực phía Nam thành phố. Nhiều lĩnh vực vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ không đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Hơn 50% số vụ việc phức tạp ở cơ sở chưa được giải quyết xong theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tâm thế mới, hành động mới

Đứng trước thực trạng đó, Thành ủy Hà Nội đã và đang đề ra nhiều giải pháp tập trung khắc phục, quyết tâm đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc đồng bộ từ trên xuống dưới, tạo bước chuyển mạnh trong cả hệ thống chính trị. Thành ủy đã xác định chủ đề năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Thành ủy sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó, Thành ủy sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ còn khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu khó hoàn thành.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, từng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đủ sức lãnh đạo giải quyết các yêu cầu từ thực tiễn. Mỗi cấp ủy cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Từng đồng chí Thành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn, lĩnh vực phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và của cấp trên.

“Cấp ủy cấp trên phải tập trung sự lãnh đạo hướng về cấp cơ sở, tạo điều kiện cho cơ sở tổ chức thực hiện. Quá trình lãnh đạo nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân để điều chỉnh các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp” - đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Mấu chốt để đổi mới phong cách lãnh đạo của cấp ủy các cấp là phát huy vai trò của người đứng đầu. Đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định: “Phải quyết liệt đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các ban Đảng xây dựng quy định về trách nhiệm người đứng đầu.

Ngày 16-5-2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, thống nhất thực hiện toàn thành phố từ ngày 1-7-2018, đưa Hà Nội trở thành một trong những nơi đầu tiên của cả nước chủ động cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) bằng việc thực hiện ngay khâu đột phá số 1 của nghị quyết: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Đây là giải pháp để Hà Nội tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc trong cả hệ thống chính trị với phương châm: Gần dân, sâu sát cơ sở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm.

Đổi mới phong cách lãnh đạo là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố. Nhưng đổi mới phong cách lãnh đạo chỉ có thể thành công khi có sự quyết tâm, đồng thuận của cấp ủy các cấp, sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là trách nhiệm riêng của cá nhân người đứng đầu, nhưng cũng là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Luôn hướng về phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.