Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân là chủ - bản chất và sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng| 19/08/2018 06:46

(HNM) - Cách đây 73 năm, ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Đây là cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội.

Chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945. Ảnh tư liệu


Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng công nông và lao động Việt Nam đã nhất tề đứng lên, giành chính quyền về tay lao động. Khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám thể hiện qua tinh thần cách mạng quật khởi của công nông, của các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam đầy khát vọng giải phóng, quyết đứng lên phá bỏ mọi áp bức, bóc lột, giành chính quyền. Sự phát triển tất nhiên của cuộc cách mạng như thế là quyền lực chính trị - xã hội thuộc về nhân dân lao động.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930) đã quy tụ được các giai cấp, tầng lớp nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Qua 15 năm đấu tranh gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và đánh đổ chế độ phong kiến tay sai tồn tại trong gần một thế kỷ, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân lao động Việt Nam từ thân phận bị nô lệ, áp bức, bóc lột đã vươn lên làm chủ, giành chính quyền về tay mình, đứng ra tổ chức và cai quản xã hội mới. Mệnh đề “dân là chủ” đối với nhân dân Việt Nam thực sự có ý nghĩa từ đây.

Trong suốt hơn bảy thập kỷ qua, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đến nay, là cả quãng thời gian lịch sử không ngừng củng cố, nâng cao và hoàn thiện mệnh đề “dân là chủ” trong xã hội ta, không ngừng mở rộng quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân lao động làm chủ trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày. Đó là bản chất tốt đẹp của chế độ mà Cách mạng Tháng Tám đã mở ra.

Trong tình hình mới, sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát huy hơn nữa quyền làm chủ và sức mạnh của nhân dân. Đảng ta yêu cầu, phải không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực; "tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[1].

Để cho những tư tưởng của Cách mạng Tháng Tám và quan điểm Đại hội XII của Đảng trở thành hiện thực, có nhiều vấn đề phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó là, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bản chất của Cách mạng Tháng Tám và yêu cầu mới của cách mạng nước ta hiện nay đòi hỏi phải không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện quyền làm chủ, gắn với cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Nhân dân cảm nhận quyền làm chủ rất cụ thể, không chỉ bằng các văn bản, chủ trương, chính sách, mà quan trọng là ở đời sống hiện thực của chính họ. Mọi quyền lợi của người dân đều phải được tôn trọng, bảo đảm; công sức lao động của họ không bị ai ngăn chặn, nhân dân được sống tự do, hạnh phúc trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Nguyện vọng chính đáng đó cũng là mục tiêu phấn đấu của Đảng, phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ mà Cách mạng Tháng Tám tạo dựng và không ngừng bồi đắp hơn 70 năm qua.

Muốn vậy, Đảng, Nhà nước phải không ngừng nâng cao hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong cuộc sống. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là câu khẩu hiệu hấp dẫn, mà phải là phương châm hành động nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong đời sống xã hội, cần được các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Phương châm này cần được thể chế hóa mang tính ràng buộc hơn, tạo điều kiện tốt hơn bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực. Đại hội XII của Đảng yêu cầu: "Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra’’[2].

Ngày 14-8-1945, đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh tư liệu TTXVN


Đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức phải được xây dựng, củng cố để thực sự là “công bộc”, là "đầy tớ” trung thành của nhân dân. Khi mới giành được chính quyền, những người lao động được gọi là viên chức của Nhà nước đã là “công bộc” của nhân dân, là “đầy tớ” trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”[3]. Trong tình hình mới, Đảng ta yêu cầu: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”[4]. Kiên quyết khắc phục tư tưởng "bề trên", "quan cách mạng", tình trạng “chạy chức, chạy quyền…”, ô dù, phe cánh, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân..., những biểu hiện đi ngược lại ý nghĩa chân chính của mệnh đề: Cán bộ, công chức là “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám chỉ ra rằng, “giữ chính quyền” không chỉ thuần túy là chống những hành động và mưu toan phá hoại của thù trong, giặc ngoài, mà còn cần phải hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn, đó là xây dựng và sử dụng chính quyền để kiến tạo xã hội mới. Giữ chính quyền “còn khó hơn”, thì việc sử dụng chính quyền để xây dựng và bảo vệ chế độ mới còn là vấn đề khó hơn nhiều.

Hiện nay, cái khó to lớn chính là sự hoành hành của "giặc nội xâm". Tham nhũng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là vấn đề đặc biệt nguy hiểm; nó trực tiếp làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, làm mục ruỗng và biến chất Nhà nước. Đấu tranh chống tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" thực sự là vấn đề “giữ chính quyền” trong điều kiện lịch sử mới. Những cán bộ, công chức "phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; "thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm"…, đặc biệt là cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược như Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra, phải kiên quyết đấu tranh, khắc phục, loại trừ.

Đó cũng chính là sự nối tiếp những thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám trong tình hình mới.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.169.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.170.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.22.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.162.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân là chủ - bản chất và sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.