Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao hơn cùng kỳ

Việt Tuấn - Ảnh: Viết Thành| 28/09/2018 14:40

(HNMO) - Chiều 28-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND thành phố quý III và 9 tháng năm 2018.

Cùng dự tại điểm cầu UBND thành phố có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9-2018.


Hội nghị đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và kết quả thực hiện 188 nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 34/Ctr-UBND ngày 28-1-2018 của UBND thành phố; công tác chỉ đạo điều hành và việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao 9 tháng năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Ngoài ra, hội nghị cũng nghe báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 1-6-2017 của UBND thành phố về tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm Luật Đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; tình hình, kết quả thu ngân sách thành phố 9 tháng năm 2018, các nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo trong 3 tháng tiếp theo.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2018, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, GRDP trên địa bàn 9 tháng ước tăng 7,17% (cùng kỳ là 6,87%). Trong đó, dịch vụ ước tăng 7,11%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,81%; nông - lâm - thủy sản ước tăng 3,37%.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6% (cùng kỳ là 8,7%). Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 22,49 tỷ USD, tăng 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ (22,6%). Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là khách quốc tế. Trong 9 tháng, thành phố đã đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó 15,4 triệu lượt khách trong nước, 4,3 triệu lượt khách quốc tế.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố 9 tháng qua cơ bản thuận lợi, giá nông sản ổn định trong nửa đầu năm và tăng nhẹ vào quý III đã tạo điều kiện kích thích sản xuất. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, quy mô vật nuôi tăng so với cùng kỳ. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, thành phố có 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,1%.

Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đã có sự nhảy vọt, ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, tạm vươn lên đứng đầu cả nước. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng. Cũng trong 9 tháng qua, thành phố có hơn 18.000 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 200.000 tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và 39% về vốn đăng ký, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt gần 250.000 doanh nghiệp.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2018 ước đạt 166,2 nghìn tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 151,4 nghìn tỷ đồng, đạt 70% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 12,5 nghìn tỷ đồng, đạt 62,2% dự toán; thu từ dầu thô đạt 2,3 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo 14 sở, ngành, quận, huyện đã phát biểu ý kiến, báo cáo bổ sung về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của ngành, địa phương. 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến nay, Hà Nội đã có 555 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng không có trường hợp nào tử vong. Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn 10 quận, huyện như: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai... Ngoài ra, toàn thành phố còn có 625 trường hợp mắc bệnh sởi, 1.586 ca mắc tay chân miệng. Các địa phương cần tích cực tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh. 

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo là gần 200 tỷ đồng; vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ 50,3 tỷ đồng. Đến hết tháng 8-2018, thành phố đã có 4.013/4.046 hộ nghèo được hỗ trợ, đạt 98,4% kế hoạch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, sau sự cố diễn ra tại lễ hội âm nhạc điện tử tại quận Tây Hồ, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã dừng toàn bộ chương trình nhạc điện tử. Tuy nhiên, chương trình nhạc điện tử rất được giới trẻ quan tâm, nên Sở đề nghị các quận, huyện phối hợp với ngành để khi triển khai các sự kiện có sự cam kết ràng buộc chặt chẽ để sự kiện diễn ra an toàn. Về việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, thành phố đã sẵn sàng. 

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai chấm điểm cải cách hành chính ở xã, phường. Sau khi hình thức này được triển khai ở 4 quận, huyện và được đánh giá tích cực, Sở đã đề nghị thành phố cho triển khai đồng bộ để nâng cao chỉ số cải cách hành chính…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng đánh giá cao kết quả tăng trưởng của ngành Du lịch, đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng các điểm đến, trong đó, chọn những điểm đến tiêu biểu để đầu tư, thu hút khách đến với Hà Nội nhiều hơn nữa. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt quy hoạch phân khu H1, quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; phối hợp với các địa phương cải tạo các chung cư cũ...

Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 vẫn đạt tốc độ và duy trì mức tăng trưởng. Cơ bản các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm bảo đảm theo đúng lộ trình, tiến độ và dự báo đầu năm đã đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu thành phần trong các chỉ tiêu lớn gặp khó khăn, do đó, các đơn vị cần có giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội hoàn thành đúng kế hoạch.

Về nhiệm vụ những tháng tới, đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý, trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa - thể thao. Ngay những ngày đầu tháng 10 là Ngày văn hóa của Anh quốc tại Hà Nội; đầu tháng 11 sẽ có 3 ngày lễ hội văn hóa Đức tại Hà Nội, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc... Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao cần tập trung làm tốt những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý, các địa phương nơi diễn ra các sự kiện cần phối hợp để tổ chức tốt.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì, phối hợp với các quận, huyện hoàn thành mục tiêu sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người nghèo vào ngày 17-10. Trong quá trình triển khai, các quận, huyện nếu có khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được tháo gỡ kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu, các quận, huyện, thị xã đôn đốc, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu đấu giá đất, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đấu giá đất năm 2018. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đôn đốc các quận, huyện xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, những khu vực đã xong phải khẩn trương bàn giao đất cho người dân, phấn đấu đến tháng 6-2019 hoàn thành toàn bộ mục tiêu giao đất dịch vụ theo chỉ đạo của Thành ủy. 

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát lại các danh mục, các dự án đã giao cho các xã thực hiện, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua đó nắm bắt tổng số dự án mà các quận, huyện, thị xã đã giao cho các xã, phường. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã báo cáo chính xác về con số nợ đọng xây dựng cơ bản trước ngày 10-10, để có kế hoạch khắc phục, không để tình trạng giao dự án tràn lan.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm về nội dung phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Cục Thống kê, Công an thành phố thí điểm thực hiện điều tra dân số tại một số tổ dân phố ở các địa phương để so sánh giữa dữ liệu dân cư với số liệu thực tế, qua đó xem kết quả chênh lệch, đúng - sai... để có cơ triển khai theo đúng kế hoạch của trung ương.

Về tình trạng người dân gây khó khăn cho một doanh nghiệp tại huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tiến hành kiểm đếm, thiết lập hồ sơ, bồi thường cho nhân dân xã Vân Tảo theo đúng chỉ đạo của thành phố. Quỹ đầu tư ứng toàn bộ tiền để bồi thường cho người dân, không để người dân kéo đến gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất.

Về phương án xây dựng trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, không có chuyện thành phố khoác "đồng phục" cho các xã, phường như một số báo nêu. Hiện có 73 xã, phường chưa có trụ sở, đang làm việc ở trụ sở tạm, UBND thành phố đã yêu cầu các sở chuyên ngành kiểm tra, để xây dựng trụ sở UBND các xã, thị trấn có chung một công năng (khác với việc có chung 1 kiểu kiến trúc).

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, quận Long Biên khẩn trương đề xuất mô hình thí điểm đưa các dịch vụ công của phường, quận cho tư nhân vận hành để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Bộ Thông tin và Truyền thông và Thủ tướng Chính phủ, để từ 1-1-2019 sẽ thí điểm tại quận Long Biên.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài chính phối hợp với các sở chuyên ngành khác xây dựng định mức giá liên quan đến xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp; giao Sở Công Thương tổ chức đấu thầu công khai các nhà đầu tư vào đầu tư tại 18 trạm xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

Về việc nâng cao chất lượng các chỉ số PAPI, công khai hoạt động tài chính, các trình tự thủ tục, đặc biệt là các thông tin về quy hoạch, đất đai, chi tiêu công ở cấp phường, xã, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có báo cáo hằng quý, hằng năm, thông tin đến tổ dân phố, đến từng nhà cho người dân biết. Sở Nội vụ chủ trì thống kê toàn bộ kết quả chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các địa phương để tiến tới thông báo công khai cho HĐND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước kiểm tra đôn đốc khẩn trương giải ngân các dự án đầu tư công.

Ngoài chỉ đạo các huyện, các xã đôn đốc, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình cấp nước sạch, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn làm tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là chăm lo, thăm hỏi người có công, thăm hỏi các chức sắc tôn giáo vào dịp ngày lễ, kỷ niệm; chủ động giao các ban, ngành tổ chức các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phong trào thể dục thể thao, giao lưu văn hóa để tạo sự đoàn kết ở cộng đồng dân cư.

Liên quan đến việc thanh toán tiền cho các đơn vị thu gom xử lý, vận chuyển rác thải, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị các quận, huyện, thị xã đôn đốc phòng đô thị, ban quản lý các dự án, trên cơ sở kiểm tra chất lượng, khối lượng, thanh toán đủ, kịp thời cho các công ty thực hiện nhiệm vụ. Nếu các đơn vị để nợ đọng nhiều, trách nhiệm sẽ thuộc về Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc các kho bạc. 

Đồng chí Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế chủ trì làm việc với các đơn vị giám định của Bộ Y tế, lấy các thông số “bóng cười” gây hại tới sức khỏe con người, trên cơ sở đó tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ra chỉ thị cấm kinh doanh, sử dụng “bóng cười”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao hơn cùng kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.