Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Xứng đáng là “cầu nối” dân với Đảng

Nguyên Hoa| 13/11/2018 07:19

(HNM) - Trước yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng có ý nghĩa quan trọng...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cùng các nhà khoa học giám sát tại xã Hồng Minh, huyện Ba Vì. Ảnh: Hải Anh


Những thách thức

Trở thành cán bộ mặt trận không khó, nhưng để đáp ứng được niềm tin của nhân dân lại không đơn giản, bởi yêu cầu, nhiệm vụ của công tác mặt trận chính là đoàn kết, vận động và thuyết phục để đi đến thống nhất hành động, dựa trên cơ chế, chính sách, thực tiễn. Hiện nay, MTTQ Việt Nam các cấp đang thực hiện phương châm "hướng về cơ sở", đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, trên khắp các “mặt trận” được giao. Từ đây, người cán bộ mặt trận phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ, nắm vững kỹ năng công tác mặt trận, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tế là bên cạnh các cá nhân nhiệt tình, trách nhiệm, năng động vẫn còn có cán bộ mặt trận năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

Chưa kể, công tác mặt trận hiện vẫn còn một số hạn chế, như: Phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chưa theo kịp yêu cầu mới; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả. “Giám sát, phản biện xã hội là việc khó, động chạm, cần bản lĩnh. Cán bộ mặt trận phải có đủ tâm và tầm, gần dân, sát dân, xuất hiện ở những nơi dân cần, làm việc vì dân, chịu trách nhiệm trước dân; vừa làm cho dân hiểu thông qua việc tuyên truyền, giải thích về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên người dân chấp hành đúng; vừa lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân để kiến nghị các cấp giải quyết” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm bày tỏ.

Trên thực tế, nhiều khi sự nhiệt tình của cán bộ mặt trận ở cơ sở lại bị “vấp” bởi sự thiếu quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của mặt trận chưa được phát huy tối đa… Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Văn Thắng cho hay: Những kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các công trình xây dựng vi phạm nhiều khi chưa được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân và gây tâm lý chán nản cho các thành viên tham gia giám sát. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân Biện Hòa An phản ánh: Nội dung giám sát, phản biện xã hội vẫn còn bất cập. Điển hình như, việc giám sát đảng viên ở nơi cư trú, nhiều nơi làm còn hình thức; công tác phản biện xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra do khó huy động được người có trình độ, hiểu biết tham gia phản biện.

Đây chính là những vấn đề đang đặt ra đối với công tác mặt trận và đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận ở Thủ đô.

Nhân dân là chủ thể

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thời gian tới là, tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động để thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: “Để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đang tập trung nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ mặt trận, bởi chúng tôi xác định con người là yếu tố then chốt giải quyết mọi vấn đề. Trong Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024 tới đây, điều này sẽ được thể hiện rõ bằng việc tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ học vấn cao".

Cùng với việc nâng cao năng lực cán bộ, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Hiện tại, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đang tích cực mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ mặt trận cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết thêm: “Đã có hành lang pháp lý cho công tác mặt trận, tới đây, mặt trận các cấp sẽ phải làm thực chất, thực sự, chọn đúng việc để làm. Cùng với việc tiếp tục đổi mới các phong trào thi đua, cuộc vận động, mặt trận các cấp của Thủ đô sẽ làm tốt hơn công tác giám sát, phản biện để thực hiện được vai trò đại diện, bảo vệ nhân dân tốt hơn, tạo được đồng thuận xã hội thì mới tập hợp, đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực “chuyển mình” của hệ thống mặt trận, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn đến chính sách đãi ngộ cho cán bộ cơ sở. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, cần có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cùng với MTTQ, để bảo đảm công khai, khách quan. Các ý kiến sau giám sát, phản biện cần được ghi nhận, tiếp thu và sớm có hồi âm, nhằm tạo uy tín trong nhân dân. Trong hoạt động vì người nghèo, MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Mặt trận phải giữ vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng và phát huy vai trò tích cực trong vận động nhân dân tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Với quyết tâm cao khi chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và lấy người dân làm chủ thể, công tác mặt trận của Thủ đô sẽ thực hiện tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự thống nhất trong nhân dân để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Xứng đáng là “cầu nối” dân với Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.