Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vay tiêu dùng: Muốn hưởng lợi phải biết cách

Hương Ly| 13/08/2013 07:01

(HNM) - Với thủ tục vay đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, thủ tục vay tiêu dùng (VTD) tại các công ty tài chính đã thu hút được lượng lớn khách hàng, đặc biệt là những đối tượng không đủ điều kiện vay tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, những vụ khiếu nại liên quan tới mức lãi suất quá cao của các khoản VTD đã khiến không ít khách hàng dự định sử dụng dịch vụ này cảm thấy e dè.

Lãi suất dựa trên rủi ro thu hồi vốn

Trong bối cảnh nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của mỗi gia đình luôn thường trực, các khoản VTD với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không đòi hỏi tài sản thế chấp đã nhanh chóng thu hút được khách hàng. Sự có mặt của các công ty tài chính tại trung tâm thương mại, siêu thị điện máy đã giúp nhiều khách hàng nhanh chóng sở hữu được những vật dụng cần thiết, mặc dù khả năng tài chính của họ mới chỉ đáp ứng được 30% số tiền lẽ ra phải chi trả. Tuy nhiên, sau khi tự nguyện ký hợp đồng VTD, không ít người đã cảm thấy "bị lừa" bởi mức lãi suất quá cao mà họ phải trả. 

Nên thận trọng với các điều khoản trước khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng.
Ảnh: Bảo Kha

Một khách hàng VTD tại Hà Nội cho biết, với lời mời chào của công ty tài chính, anh đã ký hợp đồng vay 30 triệu đồng để mua máy tính xách tay phục vụ công việc. Tuy nhiên, khi thực hiện trả góp theo hợp đồng và làm một phép tính đơn giản là nhân số tiền phải trả hằng tháng với số kỳ trả nợ, anh ngạc nhiên nhận ra lãi suất mình phải chịu quá cao so với lãi suất ngân hàng hiện hành. Bất ngờ trước mức lãi suất này, anh đã khiếu nại với công ty tài chính và đề nghị kết thúc hợp đồng trước thời hạn. Song đại diện công ty này khẳng định, hợp đồng đã ký được lập trên sự đồng ý của bên vay và cho vay. Nếu tất toán trước hạn, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí phạt tương đối cao đã được nêu trong hợp đồng.

Cảm giác "bị lừa" sau khi ký hợp đồng tín dụng tại công ty tài chính là tâm lý của không ít khách hàng khi VTD. Bởi đa số người dân thường rất hào hứng trước thủ tục đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp và nhanh chóng bỏ qua việc nghiên cứu kỹ hợp đồng, tự nguyện ràng buộc với điều khoản đã cam kết. Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho biết, lãi suất thấp, cao của ngân hàng và công ty tài chính được hình thành dựa trên góc độ rủi ro của việc thu hồi vốn. Các ngân hàng thương mại luôn luôn có lãi suất tốt nhất trong hoạt động cho vay, nhưng họ đòi hỏi chỉ tiêu chặt chẽ về khả năng trả nợ như: Có tài sản thế chấp (đối với số tiền lớn), phải chứng minh nguồn thu nhập an toàn, có thể đáp ứng việc trả nợ. Tại các công ty tài chính, mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn và họ cũng có lãi suất cao hơn để bù đắp lại rủi ro. Tuy nhiên, lãi suất cho vay ở các công ty tài chính ở mức 20-30% vẫn khiến không ít khách hàng cảm thấy bị "sốc" dù trên thực tế, tại các nước phát triển như Đức, Mỹ... khoản VTD của các công ty tài chính cũng có lãi suất cao hơn 50-300% so với lãi tại ngân hàng. Cụ thể, lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại của Đức có thế chấp khoảng 2-6%/năm, trong khi cho VTD có thể lên đến 9%/năm.

Cẩn trọng để hạn chế rủi ro

Theo ông Đinh Thế Hiển, để tránh những rủi ro khi VTD, người vay nên thận trọng trước khi ký kết hợp đồng. Khi đã ký cũng đồng nghĩa với việc khách hàng đồng ý với mọi điều khoản đã nêu. Bất kỳ nội dung nào không đúng như ý người muốn vay hiểu thì việc hủy hợp đồng đều bất lợi về pháp lý với người vay, trừ khi điều khoản đó trái với quy định chung của pháp luật. Với hợp đồng tín dụng, điều khoản vay, trả tiền vốn, lãi là quan trọng nhất. Nếu chưa thực sự hiểu rõ, người vay cần nhờ người có chuyên môn tư vấn. Trước khi ký, người vay nên yêu cầu công ty tài chính cho tham khảo dự thảo hợp đồng mẫu, đồng thời nhờ chuyên gia tư vấn về nội dung hợp đồng. Nếu chưa thực sự có nhu cầu mà chỉ bị hấp dẫn bởi các nhân viên môi giới thì đa số người vay sẽ cảm thấy áp lực lớn khi phải trả nợ và đôi khi trở nên cực đoan, cho mình là bị lừa.

Để tránh mắc "bẫy" khi VTD, ông Friedrich Weiss, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam cho rằng, trước khi ký vay vốn, người vay nên lưu ý thông tin về thời hạn khoản vay, khoản trả góp hằng tháng, các quy định cụ thể của hợp đồng và chi phí phát sinh nhằm bảo đảm khoản tiền phải chi trả hằng tháng nằm trong khả năng tài chính của mình.

Trước những bức xúc của khách hàng về khoản phí phạt khi kết thúc sớm khoản vay, ông Friedrich Weiss cho biết, việc phải trả một khoản phí phạt cho tổ chức tín dụng là do khi người vay kết thúc sớm hợp đồng, kế hoạch tài chính của tổ chức cho vay cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, khách hàng nên nắm rõ tất cả những thông tin về hợp đồng trong đó có điều khoản về "phí kết thúc sớm hợp đồng" để tránh những phát sinh không có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vay tiêu dùng: Muốn hưởng lợi phải biết cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.