Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp khơi thông nguồn vốn: Ngân hàng tăng ưu đãi

Đức Anh| 06/03/2014 07:10

(HNM) - Theo các chuyên gia, để đạt mức tăng trưởng tín dụng, việc quan trọng cần làm là khơi thông nguồn vốn…

Trong năm 2013, hệ thống ngân hàng thương mại phải khá "chật vật", để rồi mức tăng trưởng đạt được cũng chỉ dưới 2 con số. Tuy nhiên, trái ngược với dòng tiền đổ vào ngân hàng tăng, tăng trưởng tín dụng lại hạn chế, gây ra tình trạng tồn đọng nguồn vốn lớn. Vì thế, mức tăng trưởng tín dụng 12-14% đặt ra cho năm 2014 là mục tiêu không mấy dễ dàng và các ngân hàng không còn cách nào khác là hút lượng khách vay tiền bằng cách giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế là lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện đã ở mức thấp nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn dè dặt trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD). Nhiều DN vẫn mong muốn lãi suất có thể giảm nữa, nhưng việc các TCTD có tiếp tục giảm lãi suất cho vay hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các TCTD có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm. Cũng có ý kiến cho rằng nên tiếp tục hạ lãi suất đầu vào để có thể kéo đầu ra xuống thấp hơn. Song, với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng 7%/năm là phù hợp. Đồng thời, đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các TCTD có thể căn cứ vào khả năng của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp.

Thời gian qua, các ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay vốn ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải


Về mức tăng trưởng tín dụng 12-14% cho năm 2014, đại diện NHNN cho biết, mục tiêu này không bị "cứng", mà có thể sẽ được điều chỉnh tùy thuộc tình hình thực tế. Ngoài ra, cùng với các giải pháp về tín dụng, NHNN sẽ dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, vốn phục vụ tín dụng nông nghiệp nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê... theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại TCTD để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế, bảo đảm sự lành mạnh, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.

Về phía các ngân hàng, một trong những giải pháp để khơi thông nguồn vốn hiệu quả nhất là giảm lãi suất cho vay cùng với việc đưa ra nhiều chương trình cho vay vốn ưu đãi, đặc biệt là cho DN. Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng có thể cho vay với lãi suất 5%/năm nếu DN xuất khẩu chuyển 50-70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua ngân hàng và cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng. Từ nay đến ngày 31-8, BIDV dành 5.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay SXKD. Khách hàng sẽ được chọn lựa một trong hai phương án ưu đãi: Lãi suất 8%/năm trong 1 tháng đầu hoặc lãi suất 9,5%/năm trong 3 tháng đầu. Còn tại TPBank, gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm cho VND hoặc 3,8%/năm cho USD trong 3 tháng đầu tiên dành cho khách hàng vay vốn. SeABank triển khai gói tín dụng cho DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng, lãi suất thấp nhất 8,5%/năm. Những khách hàng muốn vay thêm 200 triệu đồng để SXKD, mua nhà… từ ACB có thể tham gia chương trình "Tiếp cận nhanh - lãi suất thấp", lãi suất 8%/năm cho tháng đầu hoặc 9%/năm 3 tháng đầu. Riêng OceanBank, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể vay vốn bằng USD với lãi suất 3%/năm, thời hạn cho vay 12 tháng. Cùng với đó, OceanBank có các chương trình ưu đãi lãi suất 7-8,5%/năm cho DN và hộ kinh doanh. Có ngân hàng thậm chí còn hạ lãi suất cho vay xuống 5%/năm với những DN có "sức khỏe" tốt.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến nay lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực SXKD khác ở mức 9-11,5%/năm, trong đó một số DN hoạt động tốt được cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5% đến 7%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã trở về giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp khơi thông nguồn vốn: Ngân hàng tăng ưu đãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.