Theo dõi Báo Hànộimới trên

VN-Index giảm nhưng vẫn giữ mốc 600 điểm

Hương Thủy| 11/04/2014 12:35

(HNMO) – Giảm khá mạnh và mất mốc 600 điểm vào phiên sáng nhưng đến buổi chiều sức cầu cải thiện giúp VN-Index giảm chậm lại và vẫn giữ được mốc trên.

Ảnh minh họa


Trên sàn TP HCM, cả hai đợt khớp lệnh VN-Index đều giảm và giảm mạnh hơn qua từng đợt. Nếu như đợt 1 VN-Index giảm 3,46 điểm, tương ứng 0,58%, xuống 597,87 điểm thì đợt 2 mất 4,87 điểm, còn 596,46 điểm; VN30-Index giảm 6,98 điểm (-1,04%), xuống 663,08 điểm. Lực cung-cầu chênh lệch thể hiện rõ ở số cổ phiếu tăng-giảm giá. Thị trường ghi nhận 165 mã đi xuống, 55 mã đi lên. Đáng chú ý, tại nhóm cổ phiếu tính VN30, có tới 28 mã giảm giá, trong đó không thể không kể đến là BVH, DPM, MSN, SSI, VIC, HPG giảm 200-1.500 đồng/cổ phiếu; chỉ 2 mã giữ giá tham chiếu là FPT và VNM. Thị trường trông chờ vào cổ phiếu GAS nhưng đến cuối phiên mã này cũng giảm 500 đồng/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn tiếp tục được công bố với sự tích cực từ nhóm các công ty chứng khoán, tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý kỳ vọng này đã được phản ánh phần nào vào giá nhóm cổ phiếu chứng khoán gần đây, thậm chí kết quả lãi thực tế ở mức thấp hơn kỳ vọng còn có thể gây tác động ngược đến giá cổ phiếu. Trong phiên hôm nay, cổ phiếu ngành chứng khoán yếu thế. 4 mã thì có 2 mã giảm giá là AGR và SSI, giảm lần lượt 100 đồng và 200 đồng/cổ phiếu; BSI và HCM giữ giá tham chiếu.

Hiện tại chưa có thông tin vĩ mô mới đáng chú ý nào được công bố để làm sức bật cho thị trường. Do đó, BSC cho rằng trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1 này, thị trường vẫn sẽ tiếp tục dao động đi ngang và phân hóa mạnh theo các thông tin cơ bản của từng doanh nghiệp.

Mặc dù cổ phiếu giảm giá nhiều nhưng lượng giao dịch lại sụt giảm khá mạnh so với phiên trước. Toàn thị trường có gần 60 triệu cổ phiếu và gần 1.200 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.

Trên sàn Hà Nội, bán ra cũng là xu hướng chính của nhà đầu tư. Chính vì thế cổ phiếu tại đây phần lớn giảm giá (68 mã tăng, 138 mã giảm). Các chỉ số chính đều nhuộm đỏ: HNX-Index giảm 0,39 điểm, xuống 87,26 điểm; HNXFF-Index còn 88,82 điểm sau khi hạ 0,14 điểm; HNX30-Index mất 0,17 điểm, xuống 182,83 điểm. Giao dịch ở mức trung bình với 53,871 triệu cổ phiếu và 627,184 tỷ đồng được sang tay.

Tại đây, cổ phiếu lớn có sự giằng co. Nếu như ACB và PVS giảm lần lượt 100 đồng và 200 đồng/cổ phiếu thì BVS tăng 100 đồng/cổ phiếu, KLS ghi 300 đồng/cổ phiếu, SHB “đội” 400 đồng/cổ phiếu.

Đến phiên chiều, diễn biến thị trường có phần thay đổi. Đó là nhà đầu tư vẫn bán ra nhưng lực bán không còn mạnh như sáng. Nhờ đó cổ phiếu tăng giá đã nhiều hơn sáng với 90 mã đi lên, 138 mã đi xuống. Đặc biệt, tại nhóm cổ phiếu tính VN30, thay vì không một mã nào lên giá thì đã có 5 mã đi lên, 5 mã giữ giá, còn 20 mã giảm giá. CII, EIB, FPT, KDC và MSN tăng 100-1.000 đồng/cổ phiếu đã góp phần giúp chỉ số chung giảm chậm lại. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0,76 điểm, xuống 600,57 điểm; VN30-Index còn 665,85 điểm sau khi hạ 4,21 điểm.

Giao dịch trên thị trường vẫn khá thấp. Tổng cộng có 106,926 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng 2.204 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, lực cung cũng giảm bớt, nhờ đó mà các chỉ số có sự tăng giảm trái chiều. Nếu như HNX-Index hạ 0,16 điểm, xuống 87,49 điểm thì HNXFF-Index nhích 0,03 điểm, đạt 88,99 điểm; HNX30-Index lên 183,24 điểm, cộng 0,23 điểm…Tổng lượng giao dịch đạt 81,753 triệu cổ phiếu và 948,113 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index giảm nhưng vẫn giữ mốc 600 điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.