Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố kết quả kiểm toán năm 2013: “Bắt bệnh” doanh nghiệp nhà nước

Hương Ly| 26/07/2014 07:31

(HNM) - Quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến số nợ quá hạn lớn; hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay khiến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; hiệu quả đầu tư kém dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn… là những


KTNN cũng chỉ rõ, hoạt động của khối DNNN có chiều hướng giảm sút, các tổ chức tài chính, ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm, tỷ lệ nợ xấu lại ở mức cao. Đây là một trong những nội dung quan trọng được KTNN nêu rõ tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2013 diễn ra ngày 25-7, tại Hà Nội.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam kinh doanh có lãi hơn 8.800 tỷ đồng năm 2012 nhưng đồng thời cũng là con nợ lớn của một số doanh nghiệp khác. Ảnh: Khánh Nguyên



Phát hiện nhiều "lỗ hổng" tài chính

KTNN cho biết, năm 2013 đã tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012 của 242 DN thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT). Theo đánh giá của KTNN, nhiều DNNN đã nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế (26/27 TĐ, TCT kinh doanh có lãi). Song hiệu quả hoạt động của các DN đã giảm sút so với năm 2011.

Báo cáo của KTNN cho thấy, tổng doanh thu của 27 TĐ, TCT là 907.162 tỷ đồng, tổng chi phí hết 809.598 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 97.564 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh giảm tổng doanh thu, thu nhập 4.070 tỷ đồng, tăng số còn phải nộp NSNN 2.026,8 tỷ đồng. Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, nhiều TĐ, TCT quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn và nợ khó đòi. Cụ thể, nợ quá hạn tại Tổng Công ty Điện lực dầu khí lên tới 9.650 tỷ đồng, Công ty mẹ VNPT: 2.314,2 tỷ đồng, Cienco 1: 558,6 tỷ đồng, Lilama: 482,4 tỷ đồng… Tại một số đơn vị, đang tồn tại những khoản tạm ứng tồn đọng đã nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi, như: Cienco 5 tồn đọng tạm ứng 32,56 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội: 24,6 tỷ đồng, Cienco 6: 9,1 tỷ đồng. Đặc biệt, một số khoản nợ trong nội bộ các TĐ và giữa các TĐ với nhau rất lớn và đa số đã kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ Tập đoàn Dầu khí (PVN) 12.651 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn từ năm 2011 là 9.650 tỷ đồng. Tập đoàn Dệt may (Vinatex) chưa thanh toán cho PVN khoản ứng vốn thay cho Vinatex để góp vào Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí theo lộ trình tăng vốn 229,6 tỷ đồng…

Không chỉ ngập trong những khoản nợ quá hạn, báo cáo của KTNN cũng cho thấy, nhiều DNNN hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay nên hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao. Trong đó, Cienco 5 có hệ số số nợ lên tới 10,03 lần, Cienco 6 là 3,27 lần, một số công ty cổ phần thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) từ 3,18 đến 9 lần. Hầu hết đơn vị được kiểm toán đã phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; quan hệ mua - bán giữa công ty mẹ - con và công ty con - công ty liên kết chưa bảo đảm khách quan và không đúng quy định. Cụ thể, Công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện của 2 nhà máy, gồm: Công ty Nhiệt điện Uông Bí và Công ty Nhiệt điện Cần Thơ: 865,8 tỷ đồng, giảm giá bán điện cho 5 Tổng Công ty Điện lực 1.717 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này năm 2011. Công ty cổ phần Chỉ thun thuộc Công ty Cao su Đắc Lắc cũng bán hàng thấp hơn giá thị trường và cho trả chậm tiền hàng dẫn đến công ty liên kết được hưởng lợi khoảng 6,9 tỷ đồng…

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao

Kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng VDB, Vietcombank, VietinBank và Agribank, KTNN cho biết, mặc dù có tỷ lệ sinh lời trên 75%, song tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các ngân hàng đều giảm so với năm 2011 kèm theo tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank là 1,5% (tăng 100%), Vietcombank: 2,4% (tăng 15,38%), Agribank: 8,16%, tăng 34,43%.

Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đều phản ánh thu nhập chưa chính xác. Qua kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh giảm thu nhập tại VDB 23,66 tỷ đồng, Vietcombank (27,84 tỷ đồng), Agribank (69,09 tỷ đồng), VietinBank (7,86 tỷ đồng). Hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết tại các ngân hàng cũng đem lại hiệu quả đầu tư rất thấp. Cụ thể, thu nhập từ đầu tư của VietinBank năm 2012 chỉ bằng 5,65% giá trị đầu tư, Agribank: 3,57% và tỷ suất sinh lời từ một số hoạt động đầu tư năm 2011-2012 của Vietcombank chỉ đạt từ 3,3 đến 5,3%.

Về hoạt động tín dụng của các ngân hàng, KTNN đã chỉ rõ nhiều sai phạm của Agribank trong hoạt động cho vay với những tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Agribank, dư nợ của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương tính đến cuối năm 2012 lên tới 3.700 tỷ đồng. Tại chi nhánh Tân Bình, dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á là 200,5 tỷ đồng, nhóm khách hàng là cán bộ tín dụng: 24,2 tỷ đồng…

Từ kết quả kiểm toán do cơ quan KTNN công bố, những mặt yếu kém trong công tác quản lý tiền, tài sản nhà nước tại DNNN và các tổ chức tín dụng đã được chỉ rõ. Đây là những dữ liệu quan trọng để các ngành chức năng nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục, qua đó hạn chế thực trạng nguồn vốn ngân sách bị sử dụng lãng phí và sai mục đích.

Hai lần tăng giá điện, EVN lãi 8.814,3 tỷ đồng

Ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6 của KTNN: Trong năm 2012, EVN lãi 8.814,3 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 7,52%. Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm EVN mới có lãi và kết quả này là nhờ 2 lần tăng giá điện.

Làm rõ về 2 lần tăng giá của EVN, ông Nguyễn Hồng Long cho biết, ở lần thứ nhất là do yếu tố bù lỗ từ chênh lệch tỷ giá và kinh doanh lỗ. Lần thứ hai là do điều chỉnh giá than làm giá điện tăng 34 đồng/kWh. Về việc phân bổ lỗ do chênh lệch tỷ giá, theo quy định, khoản lỗ tỷ giá được phân bổ trong 5 năm, nhưng không quy định là phân bổ như thế nào và cũng không phải đăng ký. Trong khi đó, với đặc thù ngành điện, khi xây dựng phương án bán điện cũng đã tính đến yếu tố phân bổ khoảng 7,9%. Nhưng khi bán điện có lãi thì phân bổ lại thành hơn 30% chênh lệch tỷ giá vào giá điện. Cách làm này không nhất quán và không đăng ký đều với các đơn vị.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bố kết quả kiểm toán năm 2013: “Bắt bệnh” doanh nghiệp nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.