Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phản ánh “sức khỏe” thật của hệ thống

Đức Anh| 24/11/2014 05:53

(HNM) - Không còn ở thời kỳ hoàng kim với những con số lãi khủng, mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng đã bắt đầu phải loay hoay với việc tìm kiếm lợi nhuận.



Nền kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp (DN) thua lỗ, phá sản, tạm dừng hoạt động không ngừng tăng khiến nhu cầu vay vốn ngân hàng phải thu hẹp lại. Và chính các ngân hàng cũng đã phải siết lại việc cho vay bởi sợ nợ xấu, nợ khó đòi do DN phá sản. Trong hàng loạt báo cáo tài chính mới được các ngân hàng công bố giữa tháng 11, đã có những cái tên báo lỗ...

Khách hàng giao dịch tại Maritime Bank. Ảnh: Như Ý


Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chỉ sau hơn 6 năm thành lập đã phải thông báo một kết quả không mấy lạc quan. Trong báo cáo tài chính quý III-2014, LienVietPostBank kinh doanh thua lỗ ở hầu hết các hoạt động, cộng với chi phí hoạt động tăng mạnh nên đã lỗ 20 tỷ đồng. Cụ thể, LienVietPostBank có thu nhập lãi thuần 437 tỷ đồng, giảm 6,8%; hoạt động dịch vụ lỗ hơn 78 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 226 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối lỗ gần 8 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 37 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động khác là 48 tỷ đồng. Chi phí hoạt động quý III tăng đột biến, với mức tăng 34,6% lên 338 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng lỗ 72 tỷ đồng. Nếu so sánh với công bố của năm 2013 có thể dễ dàng nhận thấy sự suy giảm của ngân hàng này, bởi cùng kỳ năm 2013, LienVietPostBank lãi 192,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 131 tỷ đồng, năm nay lợi nhuận trước thuế quý III âm 20 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 331,5 tỷ đồng, giảm 23% so với 9 tháng đầu năm 2013.

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), đến hết tháng 9 vẫn tăng trưởng tín dụng âm, kinh doanh không thu được hiệu quả do chi phí lớn cộng với việc phải tăng dự phòng rủi ro. Những con số cụ thể đã chỉ rõ sự đi xuống của DongABank trong thời gian qua. Trong quý III lỗ trước thuế 66 tỷ đồng và sau thuế lỗ 76 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng và sau thuế 149 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2013. Tăng trưởng tín dụng của DongABank vẫn "lẹt đẹt" ở mức âm 0,54%. Chính chỉ số tăng trưởng tín dụng đã "tố cáo" những mảng kinh doanh không đạt hiệu quả của ngân hàng. Trong khi đó, chi phí hoạt động của DongABank trong quý III cũng bị "đội" lên 372 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng (khoảng 34,3%), lũy kế chi phí hoạt động 9 tháng tương đương cùng kỳ, ở mức hơn 1.000 tỷ đồng. Khiến ngân hàng này có tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 13% trên tổng dư nợ...

Theo các chuyên gia tài chính, không ngạc nhiên nếu có ngân hàng báo lỗ vì trong điều kiện kinh doanh chậm, chi phí vốn không kịp điều chỉnh nên lợi nhuận không đạt như kỳ vọng. Hơn nữa, các ngân hàng đều phải chạy theo trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều đáng lo ngại là diễn biến này có thể tiếp tục xảy ra trong những quý tới, bởi nhiều ngân hàng đã sử dụng một nguồn vốn lớn để đầu tư trong quá khứ như chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu DN) và bất động sản, nhất là hoạt động ủy thác qua công ty con. Những khoản đầu tư này đều không thể mang lại lợi nhuận trong thời điểm hiện tại và có nguy cơ đe dọa tới lợi nhuận của ngân hàng thời gian tới. Thực tế là thời gian qua, trong quá trình xử lý nợ xấu, để thu hồi nợ liên quan đến tài sản bảo đảm là bất động sản, nhiều ngân hàng và chủ đầu tư đã có thỏa thuận theo hướng chủ đầu tư bán lại dự án cho ngân hàng. Sau khi mua lại dự án, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để làm trụ sở hoặc cho thuê, làm trung tâm thương mại… Tuy nhiên, đây bị coi là những rủi ro có nguy cơ gây ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Vì trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục, số lượng văn phòng thừa, việc phải tham gia kinh doanh lĩnh vực này có thể khiến giảm lợi nhuận trong tương lai.

Chưa đến mức bị lỗ, nhưng nhiều đơn vị khác cũng không thể lạc quan khi con số lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức 10 tỷ đồng hoặc vài chục tỷ đồng. Nếu như vào thời điểm "đỉnh" của ngành, khó có thể tìm thấy đơn vị nào có lợi nhuận thấp, vì ngân hàng cứ thành lập là hoạt động hiệu quả, không cần biết đơn vị đó có truyền thống, có tiềm lực hay không. Và thực tế là, ngân hàng càng lớn lãi càng "khủng". Nhưng khi thị trường có "sóng" to, đòi hỏi những con thuyền mạnh và cả những thuyền trưởng chèo lái giỏi, hệ thống ngân hàng đã lộ ra những khiếm khuyết. Bởi, thời kỳ tất cả DN đều muốn gõ cửa và chấp nhận mọi mức lãi suất mà ngân hàng đòi hỏi đã qua. Giờ đây, nếu không tạo niềm tin cho DN, ngân hàng khó có thể chen chân vào danh sách được DN lựa chọn để vay.

Gió đã đổi chiều, thay vì "kênh kiệu" với DN, ngân hàng đã phải tìm cách gõ cửa DN để có thể giải phóng nguồn vốn, vì DN chính là nguồn sống của hệ thống. Theo các chuyên gia kinh tế con số ngân hàng lỗ sẽ còn, vì thời điểm này, mới chỉ có một số đơn vị công bố báo cáo tài chính và đây được coi là những bằng chứng phản ánh thực trạng “sức khỏe” thật của các ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phản ánh “sức khỏe” thật của hệ thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.