Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường chứng khoán: Tăng điểm trong sự thận trọng?

Đức Anh| 15/12/2014 06:34

(HNM) - Cứ tăng nhẹ một phiên nhưng lại giảm sâu vài phiên liên tục, thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây chịu ảnh hưởng thiếu tích cực từ việc giá dầu sụt giảm.

Chỉ cách đây khoảng 2 tháng, giới đầu tư không giấu nổi sự vui mừng trước đà hồi phục mạnh mẽ của TTCK, khi chỉ số VN-Index chinh phục lại ngưỡng 600 điểm sau nhiều năm tụt dốc không phanh. Tăng, giảm giống như một đồ thị hình sin là một thực tế bình thường đối với bất kỳ TTCK nào trên thế giới. Nhưng, sự sụt giảm của thị trường trong nhiều năm liền đã khiến không ít nhà đầu tư từng phải "tháo chạy", chấp nhận thua thiệt để bảo toàn phần vốn còn lại. Tuy nhiên, những nhà đầu tư còn đủ kiên nhẫn để bám thị trường đã không quá thất vọng vì thị trường đã hồi sinh, từ ngưỡng mong manh 400 điểm, nhích dần đến 500 điểm, rồi 600 điểm.

Các nhà đầu tư theo sát biến động của thị trường chứng khoán.


Không còn lình xình, không ảm đạm, khối lượng giao dịch liên tục tăng trong nhiều phiên liền đã giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn bất kỳ một kênh đầu tư nào khác. Song, TTCK vốn được coi là bức tranh chân thực nhất phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, bởi vậy, đây cũng là kênh đầu tư nhạy cảm nhất với bất kỳ sự biến đổi nào. Sau khi khó khăn để leo lên 600 điểm, thị trường đã phải lùi bước trước những biến động của giá dầu. Sự xuống dốc của giá dầu trong thời gian gần đây đã tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt là giới đầu tư, nên nhiều người bán tháo cổ phiếu với lo ngại nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lợi nhuận do giá dầu đi xuống.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS, giá dầu thô xuyên thủng ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu trong hơn 5 năm (từ tháng 7-2009) trước lo ngại nguồn cung quá dồi dào là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Tâm lý bất an của nhà đầu tư đẩy TTCK vào tình trạng giảm mạnh nhiều phiên, có những phiên VN-Index mất 17-18 điểm. Giao dịch của mấy phiên gần đây cho thấy dấu ấn rõ nét của dòng tiền bắt đáy khi 2 chỉ số giảm điểm sâu, chạm các vùng mốc hỗ trợ ngắn hạn đối với VN-Index là 540-550 điểm và HNX-Index là 83,5-84 điểm.

Đối với sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 1 phiên, song lại giảm 2-3 phiên, với mức giảm 7-8 điểm, thậm chí là 17-18 điểm. Vẫn tưởng VN-Index chỉ lùi xuống 580 điểm, vì đây được coi là ngưỡng hỗ trợ của thị trường, nhưng VN-Index không ngừng giảm và rơi xuống vùng hỗ trợ 540-550 điểm. Trong khi nhiều nhà đầu tư đua nhau bán cổ phiếu để cắt lỗ thị trường những nhà đầu tư khác lại tranh thủ bắt đáy, mua cổ phiếu giá rẻ, lượng cầu lớn hơn cung đã giúp VN-Index tăng nhẹ lên ngưỡng 553 điểm sau khi tuột khỏi mức 550 điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí trụ cột như GAS và PVD tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường, trong những phiên giảm điểm sâu, diễn biến tiêu cực của giá dầu khiến GAS và PVD bị bán ròng mạnh, thậm chí đến cuối phiên vẫn còn lượng dư bán với giá sàn rất lớn. Trong phiên cuối của tuần trước, GAS có sự hồi phục tích cực khi nhiều thời điểm trong phiên tăng giá bất chấp lực bán vẫn lớn. PVD giao dịch tệ hơn do đà bán ròng của khối ngoại. Nhóm các cổ phiếu bluechips vận động tích cực trong các phiên hồi phục của thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu tài chính - ngân hàng. Mặc dù tính thanh khoản có nhiều phiên dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư vẫn quyết định đứng ngoài quan sát những biến động mạnh của toàn thị trường.

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng không thể lạc quan hơn trước những biến động của giá dầu và yếu tố bán ròng của khối ngoại tại nhóm các cổ phiếu trụ cột thuộc họ dầu khí. Sau mấy phiên lao dốc, chỉ số này đã chạm ngưỡng hỗ trợ 84 điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí như PVS, PVX, PVC, PGS có những thời điểm bị đặt lệnh bán ồ ạt nên thường đóng cửa ở mức giá sàn, nhưng những mã cổ phiếu họ bất động sản tăng giá đã hỗ trợ HNX-Index, giúp chỉ số này có một vài phiên tăng nhẹ.

Chịu tác động nhiều nhất từ giá dầu giảm là khối ngoại, thể hiện ở những phiên giao dịch của nhóm này không tích cực, giảm mạnh cả chiều mua vào, bán ra và tiếp tục bán ròng nhóm các cổ phiếu bluechips. Tính riêng trong tuần trước, khối này bán ròng 4,3 tỷ đơn vị trên sàn TP Hồ Chí Minh, tương ứng giá trị bán ròng hơn 110 tỷ đồng. Khối này còn giảm khá mạnh ở chiều mua vào với lượng mua chỉ ở mức 32,2 tỷ đồng, giảm khoảng 19% so với tuần giao dịch trước đó. Các mã bất động sản tiếp tục giữ vị thế mua ròng của khối ngoại, trong đó NBB và KBC được mua ròng nhiều nhất. Chiều ngược lại, PVD vẫn tiếp tục giữ vị thế top các mã bị bán ròng của khối ngoại khiến đà giảm của mã cổ phiếu này chưa có dấu hiệu dừng lại. PVS của sàn Hà Nội cũng bị bán ròng mạnh, riêng trong phiên giao dịch ngày 12-12, mã này bị "xả" hơn 2,1 triệu đơn vị, còn SHB lại được khối này "săn" mạnh nhất, với lượng mua ròng gần 1 triệu đơn vị.

Nhận định về thị trường thời gian tới, các chuyên gia phân tích của Công ty SHS cho rằng, thị trường có thể sẽ tăng điểm trong sự thận trọng. Vì vậy, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi diễn biến đối với giá dầu và hoạt động giao dịch của khối ngoại trong các phiên tới. Nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy hoặc thực hiện mua đuổi trước khi thị trường có hướng đi rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chứng khoán: Tăng điểm trong sự thận trọng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.