Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống ngân hàng: Một năm lắm nỗi truân chuyên

Đức Anh| 30/12/2014 07:00

(HNM) - Chỉ còn ít thời gian nữa là kết thúc năm 2014. Nhìn lại kết quả đạt được của ngành ngân hàng cũng thấy rõ được sự chìm nổi của cả hệ thống.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng ngành ngân hàng đã hoàn thành gần đủ các chỉ tiêu. Ảnh: Hải Anh


6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng khá "ì ạch" với mức 2,3%, cũng bởi trong suốt thời gian đó, không nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Nguồn vốn ứ đọng trong khi lượng tiền gửi vào không ngừng tăng khiến cả hệ thống rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười" là… "thừa tiền"! Rõ ràng là sau thời kỳ phát triển quá nóng, tăng trưởng lên đến trên 30%, thị trường tiền tệ đã bị nghẽn. Huy động được tiền mà không có khách hàng vay, hệ thống ngân hàng được ví như một chiếc máy chỉ có đầu vào mà không có đầu ra, gây ra tình trạng ùn ứ, nếu không có cách giải phóng, hệ thống có nguy cơ bị "nổ tung". Tuy nhiên, thời kỳ "đen tối" không kéo dài quá lâu, sau hai quý, thị trường đã ấm dần, DN bắt đầu "gõ cửa" ngân hàng để vay vốn. Mặc dù được coi là xương sống của toàn bộ nền kinh tế, song cũng giống như DN, ngân hàng cũng cần kinh doanh để tồn tại và DN được coi như "nguồn sống" của các ngân hàng.

Sự hồi sinh của hàng nghìn DN cùng cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh đã tạo điều kiện cho các DN bắt tay với ngân hàng. Nhờ đó, trong 6 tháng còn lại của năm 2014, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã hồi phục. Khác với những năm trước, thay vì tăng trưởng tín dụng mạnh vào những tháng đầu năm hơn cuối năm, trong năm 2014 đã có sự đổi chiều, từ tháng 6 đến hết tháng 12 tăng trưởng khá đều, với mức tăng hơn 1% mỗi tháng. Tính đến ngày 19-12, tăng trưởng tín dụng đạt 11,8% so với cuối năm 2013. Như vậy, cái đích 12-14% tưởng như không thể đã nằm trong tầm tay của toàn hệ thống. Cùng với đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65%, phù hợp với chỉ tiêu định hướng 14-16% đề ra từ đầu năm; huy động vốn tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng khá cao, lên tới 16,31%. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VND được củng cố. Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm. Lượng tiền cung ứng được điều hành hợp lý giữa các kênh, bảo đảm kiểm soát tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp ngành ngân hàng hoàn thành gần như đủ các chỉ tiêu. NHNN cũng thực hiện đúng cam kết ổn định tỷ giá, mức biến động không quá 2%. Năm 2015, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực ngân hàng và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu mới cho năm 2015 không dễ dàng, những khó khăn của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ. Bởi, hiện nay mặt bằng lãi suất đang thấp hơn thời kỳ 2005-2006, mặc dù không mong muốn lãi suất tăng nhưng để duy trì mặt bằng này rất khó khăn. Đó là chưa kể nhu cầu vốn có thể tăng lên, tạo áp lực tăng lãi suất. Tỷ giá cũng vậy, mục tiêu trong năm tới điều chỉnh không quá 2% cũng không dễ khi nhìn dự báo xuất khẩu tăng 10%, thâm hụt cán cân thương mại 5%.

Tỷ giá có thể tăng, nhưng không quá 2%; lãi suất cũng nằm trong xu hướng tăng thay vì tiếp tục giảm. Tuy nhiên, sự thay đổi của tỷ giá và lãi suất còn phụ thuộc vào thực trạng của nền kinh tế, sức khỏe của DN cũng như sức tiêu dùng của người dân. Nếu nền kinh tế thực sự hồi phục, DN không còn bị bủa vây bởi quá nhiều nguy cơ, lãi suất tăng trong biên độ hợp lý cũng có thể chấp nhận được. Còn đối với tỷ giá, nếu người dân bình tĩnh với đồng đô la Mỹ (USD), không mua USD hay vàng tích trữ thì tình trạng vàng hóa, đô la hóa sẽ bị "xóa sổ", cơ hội tăng tỷ giá sẽ không có. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống ngân hàng: Một năm lắm nỗi truân chuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.