Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cung ngoại tệ tăng sau khi USD lập mặt bằng giá mới

Thanh Hương| 08/01/2015 09:25

(HNMO) –Giá USD tại ngân hàng tăng mạnh vào sáng 7/1 do thị trường phản ứng trước sự điều chỉnh của tỷ giá liên ngân hàng. Tuy nhiên, đến cuối ngày và sang cả sáng nay, tỷ giá VND/USD đã giảm mạnh nhờ nguồn cung ngoại tệ tăng.


Quyết định thông minh!

Đánh giá về động thái tăng tỷ giá liên ngân hàng  VND/USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào thời điểm này, chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây là quyết định khá bất ngờ nhưng thông minh và nhạy cảm của NHNN, đồng thời cho thấy NHNN đã hiểu rõ tình hình thương mại, tài chính toàn cầu, hiểu vị thế, cách ứng xử của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Đây là biện pháp điều chỉnh mà nhiều nước muốn làm nhưng không còn dư địa. Việt Nam tuy dư địa còn ít nhưng vẫn rất quan trọng.

Theo ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2015 dự báo tăng 2,6 %, thương mại toàn cầu 2016-2017 chỉ tăng 3%; dự báo thấp xa so với kì vọng trước đây; giá cả toàn cầu, đặc biệt giá vật liệu cơ bản, nhiên liệu ở mức thấp; giá nhiên liệu giảm mạnh; cầu toàn thế giới yếu, lạm phát toàn cầu yếu; đồng USD tăng giá rất mạnh, ảnh hưởng mạnh các quốc gia đang phát triển, đặc biệt quốc gia nợ USD, quốc gia nào còn dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ít thì sẽ gặp rất khó khăn.

Giá USD tuột xa mốc 21.500 VND (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trong nước, dự báo cán cân vãng lai 2015 của Việt Nam thâm hụt nhiều so với 2014, công cụ tỉ giá hối đoái quan trọng để giảm cán cân vãng lai thì điều chỉnh tỉ giá hối đoái hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai, hỗ trợ xuất khẩu. Đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh các khu vực khác, biện pháp kịp thời hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ kinh tế Việt Nam sẽ tạo tạo ra lợi kép là: giá đầu vào nhiên liệu rẻ, lãi suất giảm, đầu ra (xuất khẩu) tăng lên.

Ngoài ra, NHNN tăng tỷ giá hối đoái có lợi cho thu ngân sách từ USD, thu từ dầu thô quy ra tiền VND tăng, xuất khẩu tăng, hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, nhờ đó ngân sách có khoản thu lớn hơn. “Đây là yếu tố quan trọng với ngân sách, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ” - Chuyên gia này nói.

Còn theo chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, việc tăng tỷ giá thời điểm này là vì đồng USD lên mạnh, lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỉ giá không tạo áp lực tăng lạm phát như thời điểm lạm phát tăng. “Động thái này là nhân tố tác động tích cực với xuất khẩu của Việt Nam, thể hiện phản ứng kịp thời của NHNN với thị trường cả bên trong với bên ngoài”.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng, việc điều chỉnh này được thực hiện ngay từ đầu năm có đôi chút khác biệt so với lần điều chỉnh tỷ giá trong năm 2013, tỷ giá khi đó được điều chỉnh vào tháng 2, mặc dù điểm điều chỉnh tỷ giá có khác nhưng nguyên nhân điều chỉnh khá tương đồng với các năm trước, nhất quán với mục tiêu chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong năm vừa qua.

“Thời điểm điều chỉnh tỷ giá của NHNN ngay từ đầu năm là khá thích hợp, tác động tích cực không những về khía cạnh kinh tế, cụ thể nguồn cung ngoại tệ, tác động đến tâm lý của thị trường”.

Còn về tác động tâm lý thì rõ ràng việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ làm giảm kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, giảm tâm lý nắm giữ ngoại tệ của thị trường.

Cung ngoại tệ tăng

Trong ngày đầu tiên điều chỉnh tỷ giá, do phản ứng tức thì của thị trường, lúc đầu ngày giá USD tăng mạnh, bán ra phổ biến từ 21.500 VND mỗi trở lên. Tuy nhiên, đến buổi chiều, giá đồng bạc xanh quay đầu giảm mạnh. Lúc cuối giờ chiều 7/1, Vietcombank để giá ở mức 21.420 VND-21.480 VND (mua vào-bán ra), giảm 30 so với lúc mở cửa; Eximbank giảm tới 50 VND, đưa giá bán về mức 21.470 VND, giá mua còn 21.400 VND; ACB niêm yết là 21.390 VND-21.470 VND, giảm lần lượt 40 VND và 30 VND. Đến sáng nay, các nhà băng tiếp tục niêm yết ở mức giá trên hoặc thấp hơn.

Đánh giá về diễn biến thị trường trong ngày đầu tiên điều chỉnh tỷ giá, bà Nguyễn Thị Hồng-Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường xoay quanh mức phổ biến mức 21.450 VND-21.460 VND. Thanh khoản tương đối tốt, tổng giá trị giao dịch trên thị trường đạt khoảng 700 triệu USD.

Còn theo ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Vietinbank, thị trường phản ứng hết sức tích cực, các diễn biến giao dịch trên thị trường tiền tệ của diễn ra bình thường; tỷ giá cũng chỉ dao động xung quanh mức tỷ giá công bố của NHNN bình quân trên thị trường liên ngân hàng, thậm chí đến cuối giờ trưa, tỷ giá có giảm xuống một chút so với tỷ giá công bố bình quân.

Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết của ngân hàng này khá là tương đồng với hầu hết các ngân hàng thương mại trên thị trường.

Theo đại diện của Vietcombank, với mặt bằng tỷ giá mới, giao dịch mua bán ngoại tệ sẽ sôi động hơn, nguồn cung ngoại tệ cho khách hàng tại Vietcombank tăng nhẹ và Vietcombank đáp ứng tốt hơn các nhu cầu mua ngoại tệ nhập khẩu cũng như mua ngoại tệ thanh toán nợ vay ngắn hạn của các khách hàng. Cũng do thanh khoản tốt, tỷ giá thị trường giảm xuống vào cuối ngày.

Đại diện ngân hàng này cho rằng, tỷ giá tăng là một tín hiệu tốt, hỗ trợ xuất khẩu, gián tiếp làm tăng nguồn cung ngoại tệ, tỷ giá tăng tại mùa cao điểm của kiều hối cũng sẽ kích thích luồng kiều hối chuyển về trong nước. Ngoài ra, tỷ giá tăng còn giúp giải ngân của vốn đầu tư trực tiếp sẽ tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cung ngoại tệ tăng sau khi USD lập mặt bằng giá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.