Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp dụng biện pháp mạnh để bảo đảm an toàn

Đức Anh| 27/01/2015 06:31

(HNM) - Nợ xấu, tái cơ cấu, hai vấn đề quan trọng được quan tâm nhiều trong năm 2014 và dự kiến sẽ tiếp

Đã có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng phát triển quá “nóng”, đạt mức 30%, thậm chí là hơn 50%, nên xảy ra nợ xấu là khó tránh. Mặc dù không thể giải quyết nợ xấu trong thời gian ngắn, nhưng với yêu cầu các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, cộng với sự xuất hiện của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), trong nhiều tháng gần đây, những khoản nợ xấu đã bớt “cồng kềnh”. Song nợ xấu vẫn đang đe dọa sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.

Các ngân hàng có thể sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh


Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để xử lý nợ xấu, phải thực hiện bằng nhiều biện pháp, đối với các ngân hàng có thể sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh khi cấp các khoản tín dụng mới, tăng cường xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ... Một số tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện chuyển nợ thành vốn cổ phần tham gia vào doanh nghiệp (DN). Bằng cách này, các TCTD tham gia vào đề án tái cơ cấu DN, sau đó ngân hàng thực hiện thoái vốn khỏi DN. Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp này, các TCTD cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm quy định về giới hạn góp vốn mua cổ phần theo quy định của pháp luật, tránh đầu tư dàn trải vào lĩnh vực phi ngân hàng.

Ngoài ra, việc thực hiện theo phương pháp này còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của DN, trình độ của cán bộ ngân hàng. Một điểm nữa, khi chuyển nợ thành vốn cổ phần, nếu DN thành công, các TCTD mới có thể thoái vốn, còn thất bại việc thoái vốn sẽ khó khăn, thậm chí đe dọa tới “sức khỏe” của bản thân TCTD.

Theo lãnh đạo NHNN, trong năm 2015, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, trong đó có định hướng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại để có quy mô ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực. Việc xử lý ngân hàng yếu kém chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước, ưu tiên và tạo điều kiện cho các TCTD tự chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém và huy động nguồn lực tài chính của cổ đông, từ bên ngoài; khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu TCTD tái cơ cấu không thành công, NHNN sẽ áp dụng biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống, kiên quyết loại bỏ đơn vị yếu kém. Trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ và NHNN khuyến khích sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào đơn vị yếu kém. Trường hợp đặc biệt, để cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn trong bảo đảm an toàn hệ thống, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD trong nước có thể được xem xét được vượt quá giới hạn quy định.

Dự báo về tình hình nợ xấu và tái cơ cấu TCTD trong năm 2015, các chuyên gia cho rằng, hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh hơn, bảo đảm khả năng chi trả cho nền kinh tế, hoạt động ngân hàng thực hiện theo chuẩn mực quốc tế, nợ xấu phấn đấu giảm về 3%. Đối với đơn vị yếu kém, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, kể cả việc áp dụng các biện pháp như mua cổ phần bắt buộc, chỉ định sáp nhập, hợp nhất, qua đó, loại bỏ những ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra về lạm phát và phát triển kinh tế, NHNN định hướng chỉ tiêu tín dụng năm 2015 là 13-15%, trong điều kiện lạm phát của năm 2014 kiểm soát ở mức dưới 2% và mục tiêu lạm phát năm 2015 ở mức 5%, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh về tín dụng, lãi suất. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành sẽ bám sát diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng biện pháp mạnh để bảo đảm an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.