Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống đốc: Sẽ có thêm một số ngân hàng được mua lại như VNCB

Theo Nguyễn Hiền| 18/02/2015 08:39

Thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng hợp nhất, sáp nhập và một số ngân hàng sẽ được Ngân hàng Ngà nước mua lại như VNCB. Các ngân hàng đang khỏe mạnh cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn”, Thống đốc Bình chia sẻ.

Trước thềm năm mới Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ về những nhiệm vụ của ngành ngân hàng về việc điều chỉnh tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình.


Sẽ xử lý ít nhất từ 6 đến 8 ngân hàng

Thưa thống đốc, năm qua, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tiếp tục được triển khai quyết liệt. Ngay đầu năm nay, lần đầu tiên, một động thái chưa có tiền lệ là việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phiếu. Vậy trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?

Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông đã làm mất hết vốn của mình, thậm chí là dùng cả vốn của xã hội thì những cổ đông đó phải ra đi, Nhà nước phải tiếp quản lại để giữ được ổn định của hệ thống.

Thứ hai là đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong ngân hàng đó. Sắp tới cũng sẽ phát triển mạnh mẽ chương trình này và cũng không chỉ có Ngân hàng Xây dựng mà còn có một số ngân hàng khác cũng sẽ được xử lý như vậy. Mục tiêu chung là trong 6 tháng đầu năm sẽ triển khai quyết liệt để theo dõi trong 6 tháng cuối năm cho hoạt động được ổn định hơn.

Nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sát nhập và cũng sẽ có một số ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại như Ngân hàng xây dựng. Kể cả những ngân hàng đang khỏe mạnh cũng sát nhập lại với nhau để tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn, cũng sẽ có cả những ngân hàng nhà nước sát nhập lại với nhau, có cả những ngân hàng nhà nước sát nhập với ngân hàng cổ phần và cả những ngân hàng cổ phần hoạt động lành mạnh cũng sát nhập với nhau…

Chúng tôi hi vọng rằng trong năm nay chúng tôi sẽ xử lý ít nhất từ 6 đến 8 ngân hàng.

Một doanh nghiệp có chia sẻ vấn đề xử lý nợ xấu năm qua đã đạt được kế hoạch, nhưng đó vẫn còn là vấn đề rất lớn của hệ thống ngân hàng. Bước sang năm nay, Thống đốc sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu để đạt mục tiêu đưa nợ xấu của hệ thống xuống dưới ngưỡng 3%?

Tôi vẫn nhớ mãi phát biểu của Thủ tướng Chính phủ khi tới dự hội nghị triển khai nhiệm vụ hoạt động ngân hàng trong năm 2012, có nói rằng “đất nước chúng ta còn đang có nhiều khó khăn, ngân sách còn rất eo hẹp. Vậy việc xử lý nợ xấu là Chính phủ trông chờ vào nỗ lực của hệ thống ngân hàng”.

Quán triệt tinh thần đó, từ năm 2012, cả hệ thống ngân hàng chúng tôi từ Ngân hàng nhà nước đến các ngân hàng thương mại hết sức nỗ lực và tập trung vào vấn đề xử lý nợ xấu. Đến nay mặc dù không có những cơ chế hỗ trợ khác như ở các nước nhưng như tôi đã báo cáo trước Quốc hội, đến tháng 8 năm 2014 chúng ta đã xử lý được trên 54% số nợ xấu phát sinh từ năm 2012 bằng chính các nguồn lực và các giải pháp của hệ thống ngân hàng. Chúng tôi cũng đã cam kết trong đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ chính trị thông qua, Chính phủ đã ban hành và chúng tôi cũng đã cam kết trước Quốc hội đến hết năm 2015 thì sẽ đưa nợ xấu đó về mức dưới 3%.

Nói như vậy không phải chỉ xuất phát từ ý chí đơn thuần mà còn có cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học phân tích tất cả các giải pháp cũng như thực trạng của hệ thống ngân hàng, chúng tôi khẳng định rằng mục tiêu đó là khả thi nhưng phải hết sức cố gắng. Chúng tôi cũng đã trình Chính phủ và đã báo cáo trước Quốc hội trong năm 2014, các ngân hàng thương mại dưới sự giám sát của Ngân hàng nhà nước vẫn phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tự bản thân ngân hàng có thể xử lý được nợ xấu hoặc một phần nợ xấu của ngân hàng mình.

Mức điều chỉnh tỷ giá không quá 2% là khả thi

Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu điều hành tỷ giá USD không vượt quá biên độ 2%, liệu mục tiêu có khả thi không khi trong tháng 1, tỷ giá đã tăng 1% rồi, thưa Thống đốc?

Cũng như các chính sách khác của NHNN, con số mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% không phải là ý muốn chủ quan mà cần dựa trên các dự báo, phân tích kỹ lưỡng bằng căn cứ khoa học. Trong gần 4 năm vừa qua, công tác dự báo, phân tích đạt được kết quả tương đối tốt, các dự báo đều phù hợp với kết quả thực hiện được. Vì vậy, dự báo mức điều chỉnh tỷ giá không quá 2% là khả thi.

Nhìn lại năm 2014, dù đặt ra mục tiêu điều chỉnh không quá 2% nhưng NHNN chỉ điều chỉnh 1%. Về mặt khách quan, lẽ ra vào tháng 11/2014, có thể điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. Tuy nhiên NHNN không điều chỉnh lúc đó, vì nếu điều chỉnh sẽ có thể làm cho các doanh nghiệp bị động vì họ đã có kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm. Nếu điều chỉnh, sẽ có nhiều tác động đến nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu dịp cuối năm.

Thêm nữa, năm 2014, NHNN đã mua một lượng ngoại tệ lớn, đồng thời cung ra lượng tiền đồng lớn, do đó, NHNN xác định hút bớt lại tiền trong lưu thông nhằm củng cố thêm niềm tin người dân.

Năm 2015, việc điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay từ đầu năm sẽ giúp các DN chủ động phương án kinh doanh. DN xuất khẩu được hỗ trợ ngay từ đầu năm, còn DN nhập khẩu cũng xác định được mặt bằng tỷ giá mới để từ đó chủ động điều chỉnh hoạt động tài chính của mình. Do đó, việc điều chỉnh này của NHNN tăng thuận lợi DN, hoạt động của DN hiệu quả ổn định..

Bên cạnh tỷ giá, một mục tiêu được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm là tăng trưởng tín dụng. Ngoài mục tiêu đat tăng trưởng tín dụng từ 13 – 15%, năm nay, lãi suất có tiếp tục được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp không, thưa Thống đốc?

Việc điều hành lãi suất tỷ giá và tăng trưởng tín dụng có gắn bó mật thiết với nhau. Chủ trương chung của Ngân hàng nhà nước cũng như trên cơ sở đánh giá tình hình thì chúng tôi thấy rằng về cơ bản sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu trong điều kiện thuận lợi hơn thì sẽ cố gắng làm sao giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống thêm 1 đến 1,5% để tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt là áp dụng các khoa học công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình.

Dưới góc độ phân tích và trực tiếp làm công tác này trong điều hành của Ngân hàng nhà nước là chúng tôi sẽ lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 5% là mục tiêu cốt lõi. Nếu điều kiện cho phép thì sẽ hạ xuống thấp hơn. Chúng tôi cũng sẽ điều hành chính sách tiền tệ để hướng tới mục tiêu đó trong kiềm chế lạm phát. Nếu đạt được mục tiêu đó thì sẽ có dư địa để chúng ta tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất.

Năm nay, chúng tôi đặt ra mục tiêu là 13 đến 15% cũng không phải là chủ quan. Vì phân tích trên tất cả các yếu tố, các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và các khả năng đầu tư của nền kinh tế thì thấy rằng ở mức 13-15% là hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy tăng trưởng tín dụng là gắn kết với các chỉ tiêu khác.

Năm nay có những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, đặc biệt là việc tăng giảm của giá dầu. Cũng không loại trừ những khả năng trong thời gian tới giá dầu cũng có thể hồi phục ở một mức độ nào đó. Tất các việc tăng và giảm mạnh như trong thời gian qua đều tác dụng bất lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% đó là trong bối cảnh bình thường.

Nếu trong trường hợp cần thiết để đảm bảo cho hỗ trợ tăng trưởng nếu như giá dầu có những biến động bất lợi mà ảnh hưởng tới tăng trưởng thì chúng tôi có thể điều chỉnh chỉ tiêu này lên mức khoảng 17% để đảm bảo cho nền kinh tế của chúng ta vẫn phát triển được ở mức trên 6,2% và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

- Xin cảm ơn Thống đốc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc: Sẽ có thêm một số ngân hàng được mua lại như VNCB

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.