Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứ đọng, chưa có hướng khơi thông

Đức Anh| 17/03/2015 07:41

(HNM) - Lãi suất đã giảm, nhiều ngân hàng còn tuyên bố sẽ kéo lãi suất xuống thấp nữa để dòng vốn được lưu thông, doanh nghiệp (DN) có điều kiện tiếp cận. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm vẫn chỉ dừng ở dưới 1%. Điều đó cho thấy dòng vốn vẫn đang

Nguồn hàng không được giải phóng khiến nhiều doanh nghiệp ngại vay vốn ngân hàng. Ảnh: Viết Thành



Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay lãi suất huy động VND các ngân hàng niêm yết phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,7-6,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng được niêm yết ở mức 6,7-7,3%/năm. Như vậy, không cần chờ đến khi NHNN yêu cầu điều chỉnh lãi suất huy động, hầu hết các ngân hàng đều giảm. Điều này cũng có nghĩa nguồn tiền gửi tiết kiệm tiếp tục đổ vào ngân hàng, trong khi đầu ra hạn chế hơn. Nếu cộng với biên độ 3-3,5%/năm, lãi suất cho vay với kỳ hạn ngắn chỉ dừng ở 6-7,5%/năm, kỳ hạn dài khoảng 9-10,5%/năm, là mức khá ưu đãi nhưng vẫn không đủ sức kéo DN và khách hàng cá nhân đến ngân hàng.

Lý giải cho nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm trong 2 tháng đầu năm, đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, nhu cầu vay vốn của DN thường tăng mạnh vào cuối năm, nhưng giảm vào những tháng đầu năm, trong khi nguồn tiền gửi tiết kiệm vẫn chảy mạnh, khiến vốn bị ứ đọng. Nhu cầu tiêu dùng thấp, lượng hàng hóa tồn kho lớn đã đẩy không ít DN vào tình trạng khó khăn, nên nhiều DN không dám nghĩ đến chuyện vay vốn ngân hàng. Đối với DN "khỏe" hơn, lượng đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài hầu như không có, hoặc nếu có chỉ là đơn hàng giá trị nhỏ nên nhu cầu vay vốn cũng hạn chế. Đó là chưa kể đến việc các DN trong nước buộc phải từ chối khá nhiều đơn đặt hàng từ đối tác ở Châu Âu do đồng eur xuống thấp kỷ lục, có thời điểm xuống dưới 23.000 VND/eur, trong khi giá thành sản phẩm phải đưa theo những đơn hàng cũ, DN khó có thể có lãi nếu quy đổi giá trị từ eur sang VND. Không thể nhận đơn đặt hàng nên không vay vốn cũng là điều dễ hiểu. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến DN không có điều kiện đến với ngân hàng. Do vậy, lãi suất không còn là yếu tố chính gây ra sự "ì ạch" của tăng trưởng tín dụng.

Nhiều DN lại có ý kiến khác. Lãnh đạo của một DN chuyên sản xuất hàng gia dụng cho biết, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường nếu được đưa ra 7-8%/năm chỉ là quảng cáo. Nghe ban đầu tưởng thấp, nhưng mức này chỉ áp dụng cho 1-3 tháng đầu. Những tháng tiếp theo, lãi suất bị điều chỉnh theo mức thông thường, thậm chí là cộng với biên độ 4-5%/năm so với lãi suất huy động của kỳ hạn dài nhất. Đại diện nhiều DN có chung nhận định, ngân hàng vẫn đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm cho vay nghe khá hấp dẫn, như lãi suất tối đa chỉ là 8%/năm trong 3 tháng đầu và cam kết sẽ áp dụng lãi suất hợp lý trong những tháng tiếp theo. Hoặc ngân hàng triển khai gói ưu đãi cả nghìn tỷ cho các DN sản xuất - kinh doanh vay vốn với lãi suất chỉ 7% trong 6 tháng đầu... Vậy là, dù đua nhau khuyến mãi, ưu đãi, nhưng ngân hàng sẽ đưa lãi suất thế nào DN khó đoán trước được. Bởi trong tất cả các hợp đồng vay vốn, ngân hàng luôn là bên nắm đằng chuôi, đưa ra những điều khoản có lợi cho mình, còn DN bị đẩy vào thế đã rồi, không thể không chấp nhận mức lãi suất do ngân hàng đưa ra. Trên thực tế, những DN chỉ vay vốn trong 3-6 tháng rất ít, hầu hết muốn vay khoản trung - dài hạn để phục vụ sản xuất - kinh doanh, song mặt bằng lãi suất này đang ở mức khá cao 10-12%/năm, thậm chí có ngân hàng đưa ra lãi suất cao hơn.

Đối với khách hàng cá nhân, sau hàng loạt bài học về quả đắng lãi suất, nhiều người đã dè dặt hơn khi tiếp cận với ngân hàng. Thông thường, lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân được đưa ra khá cao vì những đối tượng này có ít tài sản bảo đảm, hoặc chỉ được tín chấp. Nếu DN bị áp lãi suất 12%/năm, khách hàng cá nhân có thể sẽ là 13-14%/năm, cùng hàng loạt điều khoản trói buộc. Vì vậy, trong những tháng đầu năm, những người có ý định vay vốn để mua xe, mua nhà trả góp cũng đã phải cân nhắc hơn với bài toán lãi suất.

Ngân hàng đổ lỗi cho nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp khiến nguồn hàng tồn kho không được giải phóng, DN không tiếp cận nguồn vốn bởi lo ngại sự thiếu ổn định của mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất kỳ hạn dài. Song dù là bất kỳ lý do gì thì nguồn vốn vẫn còn bế tắc trong khi nhiều DN và cả cá nhân không tiếp cận được với nguồn vốn. Và hơn lúc nào hết, các ngân hàng cần tính đến bài toán tạo một dòng vốn ổn định cho DN, vừa để cứu DN và cứu chính ngân hàng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứ đọng, chưa có hướng khơi thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.