Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện quản lý: Câu chuyện tỷ giá

Kính Lúp| 13/04/2015 06:33

(HNM) - Cuối tháng 3-2015, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố vẫn giữ ổn định tỷ giá VND so với USD. Bởi, nếu điều chỉnh tỷ giá thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài và trả nợ của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhà nước) sẽ tăng đột biến.


Mặc dù chưa có con số chính thức nước ta phải trả nợ nước ngoài là bao nhiêu trong năm nay, nhưng tại báo cáo trên các diễn đàn của Quốc hội thì số chi trả nợ và viện trợ năm 2015 lên tới hơn một trăm nghìn tỷ đồng (không có sự bóc tách nghĩa vụ trả nợ trong nước và nước ngoài)... Số nợ đã trả trong năm 2014 và dự tính phải trả trong năm 2015 có đạt chỉ tiêu và có an toàn hay không vẫn là ẩn số.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất, kinh doanh mới đây, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng, nếu điều chỉnh tỷ giá VND so với USD thêm 1% thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của nước ta sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu có số liệu dự báo về số nợ phải trả, người ta sẽ có thể tính được con số chính xác và biết được việc điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ làm chỉ số nợ công tăng thêm bao nhiêu điểm phần trăm so với GDP; cũng như việc giữ ổn định tỷ giá sẽ có ảnh hưởng tích cực, hay tiêu cực đến nợ công như thế nào để từ đó thấy được sự đúng đắn của quyết định giữ nguyên tỷ giá.

NHNN đã không điều chỉnh tỷ giá vì lý do trên, song không phải vì thế mà có thể yên tâm. Ở thời điểm tỷ giá ổn định nhất trong năm 2014 thì nợ công (trong đó có nợ nước ngoài) đã ở mức cảnh báo.

Theo dự báo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội), đến năm 2015, nợ công sẽ bằng 64% GDP, gần chạm mức 65% mà Quốc hội cho phép vào năm 2020. Hơn nữa, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 22,3% (2013) lên 32,9% (dự kiến năm 2015), vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế.

Như vậy, tỷ giá không điều chỉnh nghĩa là chỉ số nợ/tổng thu ngân sách vẫn vượt ngưỡng khuyến cáo. Dù quy ra tiền đồng thì con số này chưa thay đổi, song những yếu tố rủi ro tiềm ẩn của nó không hẳn sẽ mất đi. Đến lúc cán cân vĩ mô đứng trước áp lực không thể không điều chỉnh tỷ giá thì các rủi ro tiềm ẩn này sẽ có cơ hội biến thành sự thật. Đó là bội chi ngân sách sẽ tiếp tục tăng, không phải dành cho đầu tư phát triển mà dành để trả nợ, vay nợ mới đảo nợ cũ với mức độ ngày một tăng nhanh hơn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện quản lý: Câu chuyện tỷ giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.