Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng mạnh dạn với mục tiêu lợi nhuận: Cổ đông không còn lo lắng

Đức Anh| 05/05/2015 06:55

(HNM) - Nếu như hai năm (2013-2014 ) vẫn là những năm rất khó khăn đối với cả hệ thống ngân hàng, thì trong năm nay,

Với Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), vốn từng tưởng như bị "nhấn chìm" vào cơn bão khủng hoảng, đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Cái tên NCB không còn làm bất cứ chuyên gia kinh tế hay cổ đông của chính ngân hàng này phải lo lắng vì khoản nợ xấu đã được xử lý gần hết khi giảm hơn 58% xuống còn 2,52% trên tổng dư nợ, lợi nhuận đã cho con số lạc quan hơn. Bởi vậy, năm 2015 NCB đặt mục tiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 236 tỷ đồng, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Bà Trần Hải Anh - Tổng Giám đốc NCB cho biết, ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc nên trong khi các ngân hàng khác "đi", NCB phải "chạy". Hơn hai năm qua, NCB đã triển khai đồng bộ hàng loạt dự án như đổi tên gọi và áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới, xây dựng hệ thống sản phẩm chiến lược, nâng cấp hệ thống mạng lưới, mở rộng hoạt động bán lẻ, đổi mới phong cách và chất lượng dịch vụ, đầu tư nền tảng công nghệ hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử. NCB cũng đặt kế hoạch tổng tài sản năm sẽ đạt 45.052 tỷ đồng, tổng huy động đạt 41.165 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 24.089 tỷ đồng, nợ xấu kiềm chế ở mức dưới 3%.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TPBank. Ảnh: Hải Anh


Một ngân hàng đã từng tự tái cơ cấu thành công, tránh khỏi việc bị sáp nhập vào một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Cùng với kế hoạch tăng tổng tài sản từ 51.000 tỷ đồng (năm 2014) lên hơn 70.000 tỷ đồng vào năm 2015, ngân hàng này còn đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay đạt 620 tỷ đồng. Để có thể đưa ra mục tiêu khá cao này, TPBank đã có thời gian dài kinh doanh khá hiệu quả, với lợi nhuận luôn ở mức cao. Ngân hàng này cũng có kế hoạch tăng huy động vốn lên 59.200 tỷ đồng, tăng 126% so với năm 2014, dư nợ tín dụng 40.400 tỷ đồng, tăng 170% so với năm 2014.

Theo các chuyên gia kinh tế, TPBank đã hoàn toàn "lột xác" sau tái cơ cấu. Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, TPBank hoàn toàn có khả năng vượt mục tiêu đã đề ra trong năm nay. Lãnh đạo TPBank cũng cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng kinh doanh trọng tâm như khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và phân khúc bán lẻ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, tập trung xây dựng năng lực phát triển sản phẩm vượt trội và bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến hiện có và nâng cao năng lực quản trị rủi ro...

"Đại gia" trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) không dè dặt khi đặt kế hoạch tăng 11,5% tổng tài sản lên 643 nghìn tỷ đồng cho năm 2015, tín dụng tăng trưởng 13%, huy động vốn tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%, lợi nhuận trước thuế 5.900 tỷ đồng. Năm 2015, ngân hàng cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức 10%. Đối với việc phân phối lợi nhuận năm 2014, tại đại hội cổ đông, HĐQT ngân hàng này cũng cho biết sẽ dành 4.475 tỷ đồng để phân phối, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, tương đương khoảng 2.665 tỷ đồng. Việc Vietcombank có thể trả cổ tức cho cổ đông như vậy được coi là mức cao trong hệ thống ngân hàng.

Còn đối với khả năng Vietcombank có nhận sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác hay không, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, tại Đại hội cổ đông bất thường tháng 12-2014, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với tổ chức tín dụng khác khi có điều kiện. Song, đến thời điểm này, do phải tìm hiểu nên ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa có phương án cụ thể. Tổ chức mà ngân hàng tìm kiếm sáp nhập phải đáp ứng đủ các tiêu chí: Sáp nhập phải tăng quy mô; có mạng lưới bổ trợ cho Vietcombank và phải tăng được vốn.

Về việc Vietcombank có tham gia cổ phần tại một số tổ chức tín dụng khác, ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, theo quy định, một tổ chức tín dụng không được sở hữu cổ phần ở quá hai tổ chức tín dụng và không vượt quá 5% vốn điều lệ ở một tổ chức tín dụng, nên thời gian tới Vietcombank sẽ thoái vốn, giảm dần sở hữu ở tổ chức khác theo định hướng của NHNN. Hiện Vietcombank chưa có chủ trương sáp nhập với 5 tổ chức tín dụng mà ngân hàng đang có cổ phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng mạnh dạn với mục tiêu lợi nhuận: Cổ đông không còn lo lắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.