Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Cam kết nhiều, giải ngân chậm

Khánh Khoa| 11/06/2015 05:55

(HNM) - Theo Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 5, đã có hơn 16.870 hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng vay vốn gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, với tổng số vốn cam kết 8.000 tỷ.

Thủ tục vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng vẫn còn vướng mắc khiến tốc độ giải ngân chậm. Ảnh: Phan Anh


Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực hiện theo nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thông qua hình thức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại, với lãi suất ưu đãi, thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay. Gói hỗ trợ này chủ yếu nhằm đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... vay mua nhà ở xã hội. Sau đó, Chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi, phạm vi đối tượng được thụ hưởng chính sách này như tăng thời hạn tối đa lên 15 năm, thêm đối tượng vay mua nhà thương mại, gồm cả đất ở, có tổng giá trị không quá 1,05 tỷ đồng; mua nhà thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Điều kiện được vay cũng nới lỏng hơn, chỉ cần có hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội; thậm chí kể cả đã có nhà nhưng diện tích chật, dưới 8m2/người là có thể được thụ hưởng gói tín dụng này. Người mua nhà cũng không bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú, mà chỉ cần giấy tạm trú, kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có thời hạn một năm trở lên. Đối với doanh nghiệp, có dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội được tiếp cận tín dụng như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, với điều kiện dự án đã được phê duyệt, được chấp thuận của chính quyền địa phương, có đất sạch và giấy phép xây dựng để triển khai được ngay.

Ngoài ra, để hỗ trợ tạo điều kiện cho đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị khó khăn về chỗ ở được cải thiện về nhà ở, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho đối tượng này được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua, thuê nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, lãi suất bằng 50% lãi suất huy động thương mại. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BIC Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Tây nam Linh Đàm (Hoàng Mai) cho biết, ngân hàng thương mại và chủ đầu tư phối hợp hỗ trợ khách hàng tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Nhiều khách hàng mua dự án BIC được vay với lãi suất 5-6%/năm nên rất yên tâm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tử Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), quy định người thu nhập thấp thụ hưởng gói tín dụng này phải có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, nên nhiều ngân hàng khi thẩm định phương án trả nợ cho rằng khó khả thi, hoặc chấp nhận cho vay thì hạn mức thấp. Cùng với đó, một trong những yêu cầu của nhà xã hội là phải có giá bán thấp khiến doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí nên nhiều khi hạn chế vay tín dụng. Nhiều khách hàng khi làm thủ tục vay vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng cũng phản ánh, ngân hàng yêu cầu phải có hợp đồng mua bán mới làm thủ tục cho vay nên khách hàng buộc phải làm thủ tục với chủ đầu tư trước. Tuy nhiên, làm thủ tục đặt cọc, ký hợp đồng với chủ đầu tư xong mà ngân hàng không chấp nhận cho vay thì lúc đó giải quyết khoản đặt cọc như thế nào? Chủ đầu tư có trả lại hay không, hay theo quy định khách hàng mất khoản đặt cọc này?

Theo Bộ Xây dựng, sau 2 năm triển khai, số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng, bằng 43,3%, hỗ trợ cho khoảng 17.000 hộ cải thiện chỗ ở. Mặc dù thời gian gần đây tốc độ cho vay đã nhanh hơn, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Đặc biệt, tốc độ giải ngân chưa được cải thiện, hiện mới giải ngân tổng cộng hơn 7.155 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hộ gia đình, cá nhân cam kết cho vay 7.999 tỷ đồng, mới giải ngân 5.211 tỷ đồng; nhóm tổ chức, doanh nghiệp cam kết cho vay 5.079 tỷ đồng, mới giải ngân 1.944 tỷ đồng. Nguyên nhân là do, chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là chính sách mới, làm lần đầu nên không tránh khỏi vướng mắc. Cùng với đó, hiện có rất ít dự án nhà ở xã hội nên người dân dù đã được ngân hàng cam kết cũng chưa thể giải ngân. Mặt khác, đây là gói tín dụng có vay, có trả, nên dù lãi suất thấp, người dân vẫn phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ; phía ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi từ phía khách hàng.

Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới Bộ cùng NHNN và các ngành tiếp tục xem xét, loại bỏ thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội; dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản... để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Cam kết nhiều, giải ngân chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.