Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho vay tiêu dùng: Cạnh tranh ngày càng lớn

Hương Ly| 02/07/2015 06:10

(HNM) - Xu hướng ngân hàng mua lại hoặc thành lập mới các công ty tài chính của riêng mình để phục vụ hoạt động cho vay tiêu dùng đang diễn ra một cách mạnh mẽ.


Xu hướng lập công ty tài chính

Một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lựa chọn vay tín dụng tiêu dùng từ CTTC thông qua hình thức trả góp là vì thủ tục đơn giản, nhanh, chỉ cần hai loại giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân và hộ khẩu (hoặc bằng lái xe). Các CTTC thường phối hợp với các cửa hàng bán lẻ để cho phép khách hàng chưa đủ khả năng tài chính mua được món hàng mong muốn thông qua hình thức trả góp hằng tháng.

Nhân viên Home Credit tư vấn cho khách hàng.


Thị trường cho vay tiêu dùng được triển khai rộng tại Việt Nam chỉ mới khoảng 8 năm gần đây, nhưng dư nợ cho vay tăng trưởng bình quân 20%/năm cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng rất cao. Hiện tại, trên thị trường có khoảng 6 CTTC đang hoạt động mạnh và tập trung vào phân khúc cho vay tiêu dùng tín chấp cho các cá nhân thông qua hình thức trả góp như Home Credit, FE Credit, HD Saison Finance… Tuy nhiên, gần đây rất nhiều NH đang có kế hoạch lập CTTC riêng của mình để "tấn công" lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân thông qua hình thức như thành lập mới hoặc mua và cơ cấu lại các CTTC đã có mặt trên thị trường. Các NH lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, OCB đã có kế hoạch thành lập CTTC. Mới đây nhất, NH Nhà nước đã chấp thuận cho Techcombank mua lại Công ty cổ phần (CP) Tài chính hóa chất Việt Nam và NH Hàng Hải mua lại Công ty Tài chính dệt may Việt Nam.

Trong tình hình ngày càng nhiều tổ chức nhắm tới "miếng bánh" cho vay tiêu dùng, các công ty đang hoạt động hiện nay đã liên tiếp đưa ra các chương trình ưu đãi, đưa sản phẩm mới và tập trung cải thiện dịch vụ để duy trì thị phần của mình. Các ưu đãi có thể kể đến như giảm lãi suất cho vay trả góp, rút thăm trúng thưởng, áp dụng lãi suất 0% cho một số sản phẩm, phát hành thẻ VIP cho khách hàng tốt, cho vay để đi du lịch…

Các chuyên gia tài chính cho rằng khi nhiều CTTC tham gia thị trường, chính người dân sẽ được hưởng lợi vì được hưởng thêm nhiều ưu đãi và dịch vụ ngày càng tốt hơn, đồng thời khi mạng lưới bao phủ của các CTTC ngày càng rộng thì sẽ càng có nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại. Không chỉ vậy, với sự hỗ trợ tài chính của các CTTC, các nhà bán lẻ sẽ nhanh chóng bán được hàng, thúc đẩy tiêu dùng của cả nước, cấu phần quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Cho vay minh bạch

Tuy có lợi cho người dân và nền kinh tế, nhưng áp lực lên các CTTC đang và sắp hoạt động sẽ rất lớn, chỉ những công ty hoạt động hiệu quả, an toàn, minh bạch mới trụ lại được trên thị trường. Đại diện Home Credit, CTTC đang dẫn đầu thị trường, ông Friedrich Weiss, quyền Tổng Giám đốc công ty cho biết: "Một khi có nhiều công ty tài chính nhảy vào và cung cấp dịch vụ tốt tương tự như một số công ty hiện có, chắc chắn sẽ có cạnh tranh về phí và sẽ giảm lãi suất. Đây là quy luật của thị trường tự do nên không thể thay đổi nó...".

Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển tốt ở thị trường Việt Nam cũng không phải điều dễ dàng. Ông Friedrich cho biết, trên thực tế, để thâm nhập và đẩy mạnh được dịch vụ cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ, đòi hỏi trước hết phải có kế hoạch và thời gian lâu dài để xây dựng hệ thống quản lý. "Home Credit đã phải mất 25 năm để phát triển hệ thống tính điểm và quy trình thẩm định hồ sơ tự động" - ông Friedrich nói. Vị đại diện này cũng cho biết trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để có thể thành công trong cho vay tiêu dùng, trước hết cần phải hiểu được sự công bằng, minh bạch là nền tảng cho mối quan hệ với khách hàng. Hiện các khoản vay tín dụng tiêu dùng được Home Credit triển khai đều mang tính minh bạch cao đối với khách hàng. Để thuyết phục khách hàng mới sử dụng dịch vụ và khách hàng cũ quay lại, công ty luôn nỗ lực tăng cường sự minh bạch thông qua việc xác lập các quy trình, nguyên tắc và chuẩn mực cho mọi nhân viên khi giao dịch với khách hàng. Chẳng hạn, ngoài hợp đồng tín dụng, Home Credit đã triển khai cung cấp cho khách hàng thêm "Thư xác nhận của khách hàng" với các thông tin chi tiết về khoản vay như lãi suất, ngày trả nợ, ngày thanh toán, phí phạt thanh toán trễ hạn... với ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu.

Đây chính là một nỗ lực có tính thực tế cao trong việc giúp khách hàng nắm rõ những điểm cơ bản nhất của khoản vay nhằm giảm các trường hợp khách hàng ký hợp đồng vay khi chưa hiểu rõ nghĩa vụ của mình và sau đó phản ứng nói rằng mình đã không được tư vấn kỹ. Thêm vào đó, để khách hàng có cơ hội ra quyết định lại, Home Credit đã đưa ra chương trình cho phép khách hàng hủy bỏ hợp đồng vay và chuyển sang hình thức mua thẳng món hàng trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, áp dụng cho các mặt hàng xe gắn máy và điện máy, mà không phải trả lãi cũng như bất kỳ khoản phí nào.

Một chuyên gia tài chính nhấn mạnh, cạnh tranh sẽ giúp người dân và nền kinh tế được lợi. Những công ty làm ăn kém hiệu quả, không minh bạch sẽ khó tồn tại trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho vay tiêu dùng: Cạnh tranh ngày càng lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.