Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường chứng khoán có thêm "cú hích"?

Đức Anh| 14/07/2015 06:24

(HNM) -


Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị định 60/2015/CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 58/2012/CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán), với việc "nới room" cho khối nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần ở công ty niêm yết lên 100%, đã tạo "cú hích" cho thị trường, giúp các chỉ số chứng khoán tăng mạnh. Vậy, đà tăng này duy trì được bao lâu?

Sau khi "chinh phục" lại ngưỡng 600 điểm, TTCK đã mang lại niềm tin cho giới đầu tư với kỳ vọng đạt 650 điểm, thậm chí là 700 điểm trong tương lai không xa. Nhưng, niềm vui của giới đầu tư không kéo dài, bởi sau đó, chỉ số VN-Index thêm một lần nữa tuột khỏi ngưỡng rồi "rơi" xuống mức thấp. Nhiều phiên liên tiếp, thị trường không có dấu hiệu bứt phá, mức tăng, giảm của các chỉ số chứng khoán chỉ trong biên độ thấp, có thời điểm còn rơi vào cảnh ảm đạm.

Song, giới đầu tư không phải chờ quá lâu, sau khi Chính phủ đưa ra quyết định "nới room" sở hữu cổ phần ở các công ty đại chúng của nhà đầu tư ngoại lên 100% thay vì 49% trước đó, TTCK đã sôi động trở lại. Đây được coi là "cú hích" cho toàn thị trường, tạo đà tăng cho cả 2 chỉ số chứng khoán. Phiên giao dịch ngày 2-7, chỉ số VN-Index đã có thêm 14,2 điểm, phiên 3-7, VN-Index tiếp tục tăng thêm 10,73 điểm. Trong 2 phiên tiếp theo, chỉ số này tăng ít hơn (8,79 điểm và 5,05 điểm), nhưng cũng đủ giúp VN-Index đạt mức 630,27 điểm.

Đây cũng được coi là "đỉnh" của chỉ số VN-Index trong năm nay. Trên sàn Hà Nội, mặc dù không tăng liên tiếp như VN-Index, nhưng HNX-Index cũng mang lại niềm vui cho giới đầu tư khi tiến sát mốc 90 điểm. Tuy nhiên, cũng giống như đồ thị hình sin, sau khi thị trường có nhiều phiên liên tiếp tăng "nóng", trong phiên ngày 8 và 9-7, chỉ số VN-Index lại mất đi hơn 8 điểm, lùi xuống 622,1 điểm.

Việc “nới room” cho khối nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần ở công ty niêm yết lên 100%, sẽ tạo “cú hích” cho thị trường chứng khoán? Ảnh: Hải Anh


Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS, ở phiên điều chỉnh đầu tiên sau 4 phiên tăng điểm của VN-Index, áp lực chốt lời xuất hiện. Dòng cổ phiếu dẫn dắt, cụ thể là nhóm ngân hàng và dầu khí có dấu hiệu chịu sức ép lớn từ lực cung chốt lãi khiến hầu hết các mã lớn đóng cửa đều gần mức giá thấp nhất. Phiên giao dịch sau đó, thị trường giảm nhưng áp lực điều chỉnh đã chậm lại nhờ nhiều mã bluechips có dấu hiệu ổn định trở lại.

Mặc dù không có sự hồi phục thực sự tích cực theo các nhóm ngành nhưng một số cổ phiếu chủ chốt đã thu hút dòng tiền trở lại và sức ép bán ra tại hầu hết các mã còn lại không còn mạnh như phiên trước đó. Dự báo, trong ngắn hạn, áp lực điều chỉnh tiếp tục diễn ra do diễn biến chốt lời của khối "nội" và đà mua "ròng" chậm lại của khối "ngoại". Trạng thái phân hóa giữa các nhóm ngành sẽ diễn ra rõ nét hơn, do vậy nhà đầu tư có thể tìm các cổ phiếu có kỳ vọng tích cực về kết quả sản xuất, kinh doanh quý II, có thông tin hỗ trợ tích cực để giải ngân dần trong giai đoạn điều chỉnh này.

Liệu Nghị định 60 của Chính phủ có tiếp tục tạo đà cho TTCK tăng điểm? Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định, Nghị định vẫn còn thiếu các chi tiết cụ thể, cũng như duy trì trần sở hữu tại các ngân hàng, cộng thêm nhiều lĩnh vực đã cạn "room" khiến nhà đầu tư "ngoại" không thể tham gia. Các lĩnh vực áp dụng sở hữu trần được "nới" so với trước vẫn không có khả năng bán cho khối nhà đầu tư nước ngoài khi Nhà nước đang nắm giữ gần như 100% kiểm soát như mã BID của Ngân hàng BIDV và GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam.

Hay như ở sàn TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp có chủ sở hữu nhà nước hơn 50% đang chiếm 36% tổng nguồn vốn hóa thị trường. Mặc dù vậy, Nghị định cũng được đánh giá có tác động đúng hướng cho TTCK với mức vốn hóa khoảng 55 tỷ USD của Việt Nam.

Chính phủ mở thêm "room" cho việc sở hữu cổ phần ở công ty đại chúng đã tạo điều kiện cho họ lấn sâu hơn vào TTCK Việt Nam. Nhiều năm nay, giới đầu tư ngoại đã đóng góp phần lớn cho sự phát triển của TTCK và nếu không mở "room" sẽ khó hấp dẫn nhóm nhà đầu tư này. Nhiều chuyên gia cho rằng, lẽ ra việc "nới room" cho khối "ngoại" phải được thực hiện sớm hơn, nhưng thời điểm này cũng không quá muộn, bởi nền kinh tế trong nước đang hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chứng khoán có thêm "cú hích"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.