Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên gia nói gì về giảm lãi suất huy động USD?

Hương Thủy| 28/09/2015 16:06

(HNMO) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD, các ngân hàng thương mại đã đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức về mức 0% và của cá nhân xuống 0,25%/năm. Theo một số chuyên gia, động thái giảm lãi suất này giúp giảm bớt găm giữ USD, ổn định VND...

(HNMO) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD, các ngân hàng thương mại đã đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức về mức 0% và của cá nhân xuống 0,25%/năm. Theo một số chuyên gia, động thái giảm lãi suất này giúp giảm bớt găm giữ USD, ổn định VND...


Theo quyết định được Ngân hàng Nhà nước công bố đêm qua, từ 28/9, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi USD của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh lãi suất này được đưa ra cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối và nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Lãi suất tiền gửi USD của cá nhân giảm xuống 0,25%/năm


Sau quyết định trên, ngày 28/9 các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động USD. Theo đó, tiền gửi USD của cá nhân ở tất cả kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng được để ở mức 0,25%/năm, giảm tới 0,5% so với trước; tiền gửi USD của các tổ chức giảm từ 0,25%/năm xuống 0%/năm.

Đánh giá về động thái điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông ủng hộ và không bất ngờ bởi quyết định này nằm trong sự tính toán từ trước của Ngân hàng Nhà nước về chủ trương chống đô la hóa, sẽ làm giảm động cơ găm giữ USD và giúp ổn định VND. Ngoài ra, động thái này còn là để thực hiện mục tiêu không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết quý 1/2016 mà cơ quan quản lý cam kết. “Đây là động thái rất cần thiết vào thời điểm này khi mà áp lực tỷ giá vẫn còn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo ông, nếu lãi suất tiền gửi USD cao sẽ khuyến khích người dân có USD gửi vào ngân hàng. Ngược lại, lãi suất huy động USD giảm xuống mức thấp nhất có thể sẽ làm giảm động cơ giữ USD trong tài khoản của người dân, tổ chức tại các ngân hàng, và việc này sẽ giúp  ổn định VND, bởi giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND. Chênh lệch này tăng lên thì giảm động cơ đầu cơ găm giữ USD, người dân và tổ chức có thể đẩy mạnh bán USD để chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác.

Chuyên gia này cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD chủ yếu tác động đến người dân và tổ chức găm giữ USD để hưởng lãi suất và chờ khi tỷ giá biến động rút ra bán USD hưởng lợi, còn với những cá nhân và tổ chức kinh tế như công ty xuất nhập khẩu giữ USD tại tài khoản không phải để kiếm lời mà để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi cần, thì việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều.

Đó là những cái được khi giảm lãi suất tiền gửi USD. Tuy nhiên, giảm lãi suất như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng thương mại, bởi nguồn ngoại tệ vào ngân hàng sẽ không được dồi dào như trước. Trong khi đó, thường vào cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp để thanh toán, trả nợ tăng cao. “Vì thế, Ngân hàng Nhà nước có lẽ phải bơm một lượng USD vào ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Một số chuyên gia khác cho rằng, cùng với việc chống găm giữ USD và ổn định VND, giảm lãi suất huy động USD còn giúp lãi suất huy động VND không tăng bởi theo lý thuyết, khi người dân chuyển từ gửi USD sang VND thì nguồn cung VND sẽ dồi dào hơn, tạo điều kiện giảm lãi suất huy động và cho vay VND. Trước đó, thời gian qua, một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi VND nhằm giữ chân khách hàng sau khi tỷ giá VND/USD đã được điều chỉnh 5% từ đầu năm.

Có thể thấy, với việc giảm lãi suất tiết kiệm USD, chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND giãn ra khá rộng, lên đến 5%. Với lạm phát ở mức thấp, nếu người dân gửi tiết kiệm bằng VND sẽ có lợi hơn nhiều. Đón nhận thông tin về điều chỉnh lãi suất trên, chị Nguyễn Thị Hòa, ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, người dân đã quen với việc gửi USD với lãi suất thấp nhưng việc lãi suất chỉ còn 0,25% cũng tác động ít nhiều đến tâm lý người gửi tiền. Chị đang băn khoăn về khoản tiền 5.000 USD mới được người nhà ở nước ngoài chuyển về không biết nền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hay đổi ra VND để hưởng lãi suất cao hơn. “Tôi sẽ tham khảo một số ý kiến rồi đưa ra quyết định cuối cùng”, chị Hoa nói.

Còn chị Trần Thị Minh (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã lên kế hoạch chuyển từ gửi tiết kiệm USD sang VND khi sổ tiết kiệm USD chị gửi tại nhà băng sắp đến kỳ đáo hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói gì về giảm lãi suất huy động USD?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.