Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi ATM "nghỉ Tết" sớm

Đức Anh| 03/02/2016 06:47

(HNM) - Tết Nguyên đán Bính Thân đã tới gần, nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao, nhưng đáng buồn là, vẫn như những năm trước, nhiều máy ATM đã

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại các cây ATM trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Hồ Như


Không có cảnh xếp hàng vòng trong vòng ngoài quanh máy ATM nhưng tình trạng không rút được tiền diễn ra khá phổ biến, ngay trong khu vực nội thành. Anh Minh Hùng, ở phố Quán Sứ, cho biết, sau gần 1 giờ chạy xe qua nhiều phố, dừng ở khoảng chục máy ATM mà vẫn không thể rút được tiền. Từ máy ATM phố Quán Sứ, đến Trần Hưng Đạo, trước hội sở một ngân hàng thương mại lớn, rồi qua Lê Duẩn, Quang Trung..., anh đều nhận được kết quả "lỗi hệ thống"... trên màn hình? Đến điểm cuối cùng là máy ATM trên phố Lê Thái Tổ, anh Hùng mới rút được tiền.

Không riêng anh Hùng, nhiều người dân khác cũng "khóc dở, mếu dở" do máy ATM "dở chứng" trong những ngày giáp Tết. Chị Thu Huyền, ở phố Khâm Thiên, sau khi lọ mọ đến vài máy ATM mà vẫn "tay trắng", đành tới phòng giao dịch của ngân hàng để làm thủ tục rút tiền từ thẻ ATM. Chị Huyền thắc mắc, không biết có phải vì ATM hết tiền hay lý do nào khác mà máy nào cũng báo lỗi, không thể giao dịch. Tuy nhiên, chị Huyền vẫn còn may mắn khi "gõ cửa" ngân hàng vào thời gian còn làm việc; nhiều người cần rút tiền ngoài giờ hành chính hay trong ngày nghỉ thì không biết xoay xở thế nào.

Mặc dù trước thời điểm tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản khẳng định sẽ điều chuyển tiền mặt đến tỉnh, thành phố lớn, có nhu cầu thu chi tiền mặt cao và có nhiều máy ATM như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng tình trạng nghẽn ATM vẫn xảy ra ngay tại các phố trung tâm.

Theo lý giải của nhiều ngân hàng thương mại, tình trạng máy ATM quá tải là khó tránh vì nhu cầu rút tiền tăng rất cao, lại tập trung vào một số ngày trước Tết. Nhiều ngân hàng đã khuyến cáo người dân nên dùng các phương thức giao dịch khác, chẳng hạn như đến phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để làm thủ tục rút tiền.

Ông Nguyễn Quang Lý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Bắc Giang cho biết, những ngày cuối năm, áp lực chi trả tiền mặt qua hệ thống ATM rất lớn. Với những DN có số lượng công nhân lớn, chi trả thưởng nhiều, ngân hàng làm việc với lãnh đạo công ty rồi chuyển tiền đến chi trả tại chỗ để giảm áp lực cho các máy ATM. Ngoài ra, Vietcombank cũng tăng lượng tiền, bộ phận kỹ thuật trực bảo đảm cho hệ thống ATM chạy thông suốt.

Để phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ATM, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, NHNN đã có Văn bản số 550/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ bảo đảm an ninh, an toàn ATM, thường xuyên rà soát, kiểm tra lại các trang thiết bị, vị trí đặt ATM, tăng cường các biện pháp bảo vệ, theo dõi hoạt động mạng lưới ATM của đơn vị. Khi phát sinh vụ việc về an ninh, an toàn ATM, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ cần phản ánh kịp thời về NHNN (Vụ Thanh toán) và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán.

Sôi động "chợ đen" tiền lẻ

Tết năm nay tiền mới khá hiếm, bởi NHNN đã quyết định không in mới. Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng "khan" tiền mới thì thị trường "chợ đen" lại khá sôi động. Trên các trang mạng xã hội, việc rao đổi tiền lẻ diễn ra phổ biến, với đủ mệnh giá. Mức phí đổi tiền khá cao, chẳng hạn đổi tiền 10.000 đồng mất phí 10%, tức là đổi 1,1 triệu đồng để có 1 triệu đồng tiền mới; 20.000 đồng chi phí là 180.000 đồng/100 tờ; 50.000 đồng mất phí 250.000 đồng/100 tờ. Với những loại tiền mệnh giá nhỏ hơn, loại tiền 5.000 đồng mức phí chênh lệch là 100.000 đồng/100 tờ; loại 2.000 đồng mức phí chênh lệch là 30.000 đồng/100 tờ, loại 500 đồng mức phí là 40.000 đồng/100 tờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi ATM "nghỉ Tết" sớm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.