Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hồi gần 70.000 tỷ đồng nợ đọng thuế: Thách thức lớn

Hương Ly| 12/03/2016 09:01

(HNM) - 39.102 tỷ đồng nợ thuế đã được Tổng cục Thuế thu hồi trong năm 2015. Nợ thuế ở 22 địa phương đã giảm, nhưng có 10 địa phương nợ thuế lại tăng trên 30%. Mục tiêu thu hồi gần 70.000 tỷ đồng nợ thuế tồn đọng trong năm 2016 là một thách thức lớn...


Gian nan thu hồi nợ đọng

Những khó khăn của nền kinh tế kèm theo ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận doanh nghiệp (DN) chưa cao khiến nợ đọng thuế tăng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm cuối tháng 12-2015 lên tới gần 70.000 tỷ đồng.

Giao dịch tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Như Ý


Theo ông Trần Văn Phu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2015 toàn ngành đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, thu nợ thuế. Bên cạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ cho các cục thuế, thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN), ngành Thuế cũng đã tập trung vào những đơn vị lớn, trọng điểm để có kế hoạch cụ thể nhằm thu hồi tiền nợ thuế. Cơ quan Thuế đã đôn đốc thu nợ bằng điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử đối với những khoản nợ thuế từ 1 đến 30 ngày. Đặc biệt, việc công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã được ngành Thuế thực hiện. Nhờ đó, toàn ngành đã thu hồi được 39.102 tỷ đồng nợ thuế, tăng 27,1% so với năm 2014, bằng 102,9% chỉ tiêu thu nợ được giao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, vẫn còn nhiều địa phương chưa cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Vì vậy, trong năm qua, bên cạnh 22 địa phương đã giảm nợ thuế so với năm 2014, còn 10 địa phương có số nợ thuế tăng hơn 30%. Thực tế diễn ra tại nhiều cục thuế địa phương cũng cho thấy, còn một bộ phận các DN trước đây chấp hành tốt pháp luật thuế, nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên đã rơi vào tình trạng khó khăn, không có nguồn tài chính để trả nợ thuế. Cùng với đó, còn không ít DN chây ỳ, buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi. Công tác cưỡng chế nợ thuế cũng gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết DN có số thuế nợ trên 90 ngày, hết thời gian gia hạn nộp thuế, thực sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán thuế. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với các DN ngoài quốc doanh còn lỏng lẻo, chưa có quy chế phối hợp cùng các ngành liên quan nhằm thực hiện hậu kiểm với các DN thông báo ngừng kinh doanh, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh... khiến tiền thuế nợ đọng tăng cao.

Phân loại để thu hồi nợ đọng

Năm 2016, dự toán thu NSNN mà ngành Thuế được giao là 809.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 755.000 tỷ đồng, tương đương 21-22% GDP. Để hoàn thành nhiệm vụ, việc ngăn ngừa nợ thuế mới phát sinh song song với việc thu hồi gần 70.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế cũng quan trọng không kém.

Ông Trần Văn Phu cho biết, trong năm 2016, cơ quan thuế sẽ rà soát, phân loại, tổng hợp chính xác số tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc, thu nợ hiệu quả. Bên cạnh đó, sẽ động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để bảo đảm vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế. Cơ quan thuế cũng tiếp tục công khai danh tính các trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện truyền thông nhằm thu hồi, nộp NSNN.

Cùng với những biện pháp thu hồi nợ đọng, việc xem xét xóa nợ thuế cho các DN đủ điều kiện cũng đã được tính toán. Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị xóa hơn 10.000 tỷ đồng nợ thuế, tiền phạt chậm nộp cho các DN. Đây là tiền nợ thuế của các DN gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan; tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với DN đã giải thể, phá sản, hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh, do chết, mất tích mà không còn khả năng thu. Trong đó, số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của các hộ kinh doanh ước khoảng 9.110 tỷ đồng. Tiền phạt DN chậm nộp thuế do những nguyên nhân khách quan trong thời điểm kinh tế suy giảm (từ năm 2013 trở về trước) ước khoảng 1.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, để được xóa nợ thuế, các DN cũng phải đáp ứng một số điều kiện của Bộ Tài chính. Riêng những DN kinh doanh bất động sản, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không được xóa nợ tiền chậm nộp thuế…

Nỗ lực thu hồi nợ đọng của toàn ngành Thuế trong năm nay sẽ góp phần giữ vững cân đối NSNN, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch giữa các DN trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Cục Thuế TP Hà Nội vừa công khai danh sách 148 đơn vị nợ thuế trên địa bàn (đợt 3, năm 2016) với tổng số tiền hơn 333 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án nợ tiền thuê đất với hơn 49 tỷ đồng và 139 DN nợ tiền thuế, phí hơn 284 tỷ đồng. Đứng đầu nhóm nợ tiền thuế, lệ phí là Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Công ty Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 - Licogi 20 (quận Đống Đa) với số nợ hơn 65,5 tỷ đồng. Công ty liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh gần 44 tỷ đồng, Công ty CP Khoáng sản và Cơ khí (quận Hoàn Kiếm) với số nợ gần 8,5 tỷ đồng. Đứng đầu nhóm nợ tiền thuê đất là Công ty CP Bách hóa (thị trấn Văn Điển) với số nợ hơn 8,7 tỷ đồng. Công ty CP Lương thực Đông Anh (thị trấn Đông Anh) với số nợ gần 7,5 tỷ đồng...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi gần 70.000 tỷ đồng nợ đọng thuế: Thách thức lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.