Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý, nâng hiệu quả sử dụng ngân sách

Nguyên Anh| 03/05/2016 06:57

(HNM) - Báo cáo mới công bố của Chính phủ cho thấy, nợ công đã ở mức 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với con số 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011. Nợ Chính phủ trên thực tế cũng đã vượt 0,3% ngưỡng cho phép.

Áp lực gia tăng nợ công đã khiến Bộ Tài chính phải tính toán nhiều phương án nhằm bù đắp nguồn thu, trong đó có việc điều chỉnh tăng một số loại thuế, như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Mức thuế môn bài cũng sẽ điều chỉnh tăng thêm nhằm phù hợp với tốc độ tăng lương cơ bản.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng một số khoản thuế không nhằm mục đích tận thu ngân sách, mà mục tiêu chính là cơ cấu lại mức thu cho phù hợp với thực tế. Song, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn, "sức khỏe" của cộng đồng DN vẫn chưa phục hồi, thì việc điều chỉnh tăng thuế, phí sẽ tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo phản ánh của nhiều DN, gánh nặng thuế, phí, nhất là các khoản chi phí "ngoài luồng" đã trở thành mối lo của nhiều DN. Kết quả công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2015) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác vừa công bố tại Hà Nội cũng cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra khá phổ biến. Người dân, DN phải chung chi, "bồi dưỡng" khi đi khám chữa bệnh, xin giấy phép xây dựng và xin học cho con...

Thực tế này cho thấy, gánh nặng thuế, phí, chi phí "ngoài luồng" đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, "sức khỏe" của cộng đồng DN. Tuy nhiên, người dân vẫn sẵn sàng đóng góp vào ngân sách nếu nguồn tiền này được quản lý chặt chẽ, hiệu quả và sử dụng đúng mục đích. Cùng với việc điều chỉnh tăng thu các khoản thuế, phí vốn đã rất dày đặc hiện nay, việc siết chặt quản lý các khoản chi ngân sách là đòi hỏi chính đáng của những người đang đóng góp trực tiếp vào ngân sách.

Khi ngân sách được điều tiết hợp lý cho các mục tiêu phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, người dân và cộng đồng DN sẽ không ngần ngại đóng góp tích cực tiền thuế vào ngân sách. Bởi, lúc này chính họ sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua việc xây dựng hạ tầng cơ sở, điện, đường, trường, trạm và chế độ an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục được cải thiện. Thay vì tăng thu ngân sách, cần siết chặt kỷ luật chi tiêu công để có được sự đồng thuận cao từ phía người dân và cộng đồng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý, nâng hiệu quả sử dụng ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.