Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng tín dụng: Có nhất thiết cố "chạy" đến đích?

Đức Anh| 28/06/2016 06:50

(HNM) - Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đạt 5,87% so với cuối năm 2015, trong khi mục tiêu của toàn ngành ngân hàng trong năm 2016 là 17-18%/năm, có vẻ như tốc độ tăng của tín dụng không bắt kịp kế hoạch.

Với hệ thống ngân hàng, đây được coi là con số khả quan, vì nếu so với cùng kỳ năm trước tăng trưởng tín dụng đạt 17,6%, nhưng có nhất thiết phải cố "chạy" đến đích hay không khi nguy cơ nợ xấu có thể tái diễn?

Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đạt 5,87%.


Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao

5,87% - tức là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt khoảng 1/3 kế hoạch của cả năm 2016, và các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải tăng tốc trong hơn 6 tháng cuối năm. Song, đây lại là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng thời điểm mấy năm trước. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tín dụng ngoại tệ bị âm (tính đến hết tháng 5, tín dụng ngoại tệ giảm 5,96%), nguyên nhân chủ yếu là do tác động của Thông tư 24 (nay được sửa đổi thành Thông tư 07) quy định đến ngày 31-3, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay ngắn hạn ngoại tệ thanh toán hàng hóa trong nước không được vay ngoại tệ. Dù mới đây quy định này đã được “nới”, cho phép DN vay ngoại tệ trở lại, nhưng quy định “thắt” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng phải “cậy nhờ” vào tăng trưởng đồng nội tệ, nếu không do tín dụng ngoại tệ “âm”, khiến “dòng chảy” tín dụng bị chậm lại, tốc độ tăng của hệ thống chắc chắn cao hơn.

Trong số những TCTD đóng góp cho đà tăng tín dụng của hệ thống, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) đạt mức tăng 6% so với cuối năm 2015. Theo VietinBank, với đặc thù tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong nước là theo mùa vụ, chủ yếu tập trung vào 6 tháng cuối năm, VietinBank có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho cả năm là 18%. Ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng khả quan là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), với mức tăng 7,5%.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, chất lượng tín dụng cũng được ngân hàng chú trọng và kiểm soát tốt. Những ngân hàng khác như BIDV, LienVietPostBank, NCB, VPBank... cũng ghi nhận những con số lạc quan trong những tháng đầu năm.

Chú trọng tăng tín dụng, nhưng không ồ ạt

Mặc dù các ngân hàng đều khẳng định sẽ không khó khăn để “chạm” đến mục tiêu của NHNN đưa ra là 17-18% cho cả năm 2016, nhưng điều mà không ít người lo lắng chính là liệu các ngân hàng có quá chú trọng về tăng trưởng mà lãng quên chất lượng tín dụng? Bài học về nợ xấu do thời gian dài cho vay quá dễ dãi đã khiến cả hệ thống ngân hàng “điêu đứng” vẫn còn đó và cho đến nay số nợ xấu vẫn ám ảnh nền kinh tế.

Với tốc độ tăng như thời gian qua, cùng việc NHNN “nới” quy định về cho vay bất động sản, duy trì tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thay vì giảm tỷ lệ này, nhiều người lo ngại tín dụng sẽ có nguy cơ rơi vào cảnh tăng trưởng “nóng” trong thời gian tới. Trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng đều muốn “chạy đua” tăng trưởng tín dụng để có thể tới “đích” đúng thời hạn, các ngân hàng sẽ dễ dàng cho vay hơn thay vì đưa ra những điều khoản chặt chẽ để tránh nợ xấu.

Tuy nhiên, cùng với việc đẩy mạnh tốc độ tăng tín dụng, các ngân hàng sẽ quan tâm đặc biệt tới kiểm soát chất lượng. Không còn tập trung quá nhiều đến cho vay bất động sản, hay các dự án BOT, BT giao thông..., các ngân hàng đã chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên. Những dự án BOT, BT giao thông đòi hỏi nguồn vốn lớn, đầu tư dài hạn, trong khi đó vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nên các ngân hàng sẽ phải tính toán kỹ. Hơn nữa, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thẩm định kỹ tính khả thi, hiệu quả dự án, năng lực quản lý, kinh nghiệm, tài chính của chủ đầu tư, đặc biệt là cân đối nguồn trả nợ, cơ cấu nguồn vốn phù hợp quy định, định hướng của NHNN để bảo đảm an toàn tín dụng và tính thanh khoản cho các ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn cần giữ ổn định hệ thống là bài toán không dễ. Với con số tăng trưởng khá tốt trong những tháng đầu năm, cái đích 17-18% không khó, nhưng các ngân hàng không nhất thiết phải quá coi trọng việc hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Nếu mức tăng thấp hơn mục tiêu đề ra 1-2% mà bền vững sẽ tốt hơn những cuộc chạy đua gây rủi ro cho hệ thống cũng như nền kinh tế.

Từ nay đến hết ngày 13-8, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai chương trình ưu đãi tín dụng “Liên kết đối tác, hiện thực ước mơ” với mức lãi suất từ 8%/năm trong 12 tháng, tổng hạn mức 3.000 tỷ đồng. Theo đó, các khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay mua bất động sản, ô tô tại các dự án, đại lý là đối tác hoặc đang trong quá trình ký kết hợp tác với SHB có thể tham gia chương trình. Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) lại triển khai gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho khách hàng DN có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãi suất từ 6,8%/năm. Chương trình áp dụng cho những khoản giải ngân VND có kỳ hạn vay dưới 3 tháng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng tín dụng: Có nhất thiết cố "chạy" đến đích?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.