Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất cho vay có giảm?

Thanh Hương| 11/08/2016 09:19

(HNMO)-Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát đi thông điệp sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Vậy, trong những tháng cuối năm, lãi suất cho vay có giảm?


Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ trong những tháng đầu năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn tương đối ổn định. Tính đến giữa tháng 7, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-6%/năm.

Còn nhớ, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vào hồi cuối tháng 4 các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay gần như chỉ dừng lại ở đó. Và mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những tháng cuối năm cơ quan quản lý này tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Điều này được hiểu lãi suất cho vay có thể giảm trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay khó giảm (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Về vấn đề này, tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố, UBGSTQG cho rằng, việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp có sơ sở thực hiện. Cơ sở đó là: Thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016. Ngoài ra, cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, tính đến 24/6, lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn tăng 4,98%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,53%; lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 2,37%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 1,45%; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 2,62%.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất; lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5-4%); tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định, dự báo cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%).

Chưa kể, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại tương đối khả quan (tính đến 30/6/2016, lợi nhuận hệ thống các tổ chức tín dụng ước tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước), tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.

Tuy nhiên, “để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng”, UBGSTCQG nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay có thể giảm được hay không tùy thuộc vào một số yếu tố. Trước hết là lãi suất đầu vào. Nếu lãi suất huy động tăng, giảm lãi suất cho vay rất khó bởi ngân hàng hạ lãi suất đầu ra trong khi lãi suất đầu vào cao thì lợi nhuận của nhà băng rất thấp. Mà trong năm nay lợi nhuận ngân hàng không thực sự lạc quan bởi nợ xấu. “Vì thế, nếu lãi suất đầu vào không giảm thì khó có thể giữ lãi suất đầu ra như hiện tại”, chuyên gia này nói.

Ngoài ra, vấn đề nợ xấu của ngân hàng năm nay rất đáng quan tâm vì có dấu hiệu tăng. Nợ xấu tăng lên đồng nghĩa với trích lập dự phòng rủi ro tăng lên, tức chi phí hoạt động ngân hàng tăng lên, vì vậy khó có thể giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó là chi phí cho nhân sự, tiếp thị…“Với những chi phí như vậy, tôi không nói là không thể giảm lãi suất cho vay được nhưng giảm là rất khó”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực chia sẻ, từ nay đến cuối năm giữ mặt bằng lãi suất tương đối ổn định là tốt rồi, còn giảm thì rất khó.

Sở dĩ chuyên gia này nhận định như vậy bởi theo ông, lãi suất đầu vào khó mà giảm được vì năm nay kỳ vọng lạm phát còn cao, mức lãi suất tiền gửi đang ở ngưỡng 6%/năm mới đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Lãi suất đầu vào khó giảm nên khó hạ lãi suất đầu ra do hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) ở các ngân hàng đang thấp, chỉ khoảng 2,6%, giảm so với mức 2,8% vào năm ngoái, trong khi bình thường phải khoảng 3-3,5% thì mới đảm bảo ngân thương mại hoạt động có lãi tốt trong hoạt động tín dụng. Ngoài ra, nợ xấu chưa giải quyết triệt để nên ngân hàng tiếp tục phải trích lập dự phòng rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất cho vay có giảm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.