Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khách hàng mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm: BIDV nói gì?

Hương Thủy| 23/09/2016 20:52

(HNMO) – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, xét thấy sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng, BIDV đã thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc, báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật.

(HNMO) – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, xét thấy sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng, BIDV đã thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc, báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật.

Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về khiếu nại của khách hàng Ngô Phương Anh tại BIDV Tây Hồ. Ngày 23/9, đại diện BIDV cho biết, ngày 9/9/2016, khách hàng Ngô Phương Anh đã trực tiếp đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ đề nghị tất toán Sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đề nghị, đối soát với hồ sơ khách hàng hiện có, BIDV Tây Hồ nhận thấy một số dấu hiệu không khớp đúng trong các chứng từ giao dịch và lưu giữ giữa ngân hàng và khách hàng.

“Xét thấy sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng, BIDV đã thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc, báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật", đại diện BIDV cho hay.

Ngày 12/9/2016, đại diện cơ quan Công an đã có cuộc họp với BIDV chi nhánh Tây hồ. BIDV chi nhánh Tây Hồ đã nỗ lực, tích cực phối hợp với cơ quan Công an để làm rõ, nhanh chóng xác minh bản chất sự việc và giải quyết khiếu nại của bà Ngô Phương Anh.

Nội dung tin nhắn mà bà Phương Anh cho rằng người của ngân hàng (tên Chung) nhắn sau khi tiền trong sổ tiết kiệm bị rút. (nguồn:Vnexpress)


“Là một ngân hàng thương mại nhà nước có truyền thống lâu đời, có uy tín, BIDV khẳng định mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng nói chung và của bà Ngô Phương Anh nói riêng luôn được đảm bảo”, đại diện ngân hàng này nhấn mạnh.

Theo BIDV, sau khi có kết luận chính xác bản chất sự việc từ cơ quan chức năng, Ngân hàng sẽ thông báo chính thức công khai, minh bạch theo đúng qui định của pháp luật đối với công ty đại chúng.

Trước đó, theo phản ánh trên báo Vnexpress, bà Ngô Phương Anh (57 tuổi, tại Đà Lạt) đã gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của BIDV) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của mình. Hiện ông Long đã không còn là giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ của BIDV song vẫn làm việc bình thường trong hệ thống BIDV.

Trong đơn tố cáo, bà Phương Anh cho biết sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Tháng 1/2016, bà Anh Thư mua lại căn nhà của bố mẹ bà Phương Anh ở Đà Lạt nhưng không trả bằng tiền mặt mà bằng sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ đồng (đang gửi với kỳ hạn 3 tháng). Thay vì tất toán sổ tiết kiệm lấy tiền mặt trả người bán, bà Anh Thư lại giao dịch bằng sổ tiết kiệm này qua hình thức làm thủ tục ủy quyền cho người bán nhà (bà Ngô Phương Anh) được toàn quyết rút số tiền 32 tỷ đồng khi đến hạn. Trước khi đến văn phòng công chứng làm thủ tục này và thủ tục sang tên căn nhà, hai bên đã đến ngân hàng - phòng giao dịch D2 Giảng Võ của BIDV - nơi phát hành sổ - để xác nhận số tiền trong sổ tiết kiệm là có thật.

Vào ngày 20/4, hai bên mới chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch của BIDV ở Giảng Võ. Theo lời kể của bà Phương Anh, ông Phạm Thế Long - Giám đốc phòng giao dịch là người trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm này, vào lúc 17h30, ngay sau khi vợ chồng bà vừa đáp chuyến bay xuống Hà Nội từ Đà Lạt. "Anh Long đưa cho tôi một tờ giấy trắng và yêu cầu tôi ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không", bà Phương Anh nói.

2 ngày sau bà Phương Anh đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm. Tại đây  ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy tiêu đề "Giấy nộp tiền" nhưng không có nội dung. Ngoài ra, bà nói còn có thêm 2 tờ giấy hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước hạn.

Trong cả hai lần gặp ông Long tại ngân hàng, bà Phương Anh đều nhắc đến có sự tham gia của một người  Chung nhưng chính bà không xác định được Chung có phải nhân viên ngân hàng không, chỉ biết là mặc áo giống đồng phục ngân hàng. Anh Chung cũng là người thay mặt người mua nhà (bà Thư) nhận lại sổ tiết kiệm mang tên bà Bùi Thị Anh Thư sau khi thủ tục chuyển nhượng cho bà Phương Anh hoàn tất.

Tuy nhiên, hai tháng sau, bà Phương Anh nhận được tin nhắn từ anh Chung nói rằng chính anh đã cho bà Thư mượn tiền để làm sổ tiết kiệm 32 tỷ này. "Bây giờ đến hạn tất toán, cô ra Hà Nội để làm thủ tục giúp cháu, nếu không tên của cô sẽ treo trên toàn hệ thống ngân hàng, không ai dám giao dịch", tin nhắn cho hay.

Sau này, theo bà Phương Anh, Chung còn vào tận Đà Lạt để tìm mình. Vì vậy, bà nghi ngờ nên nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết, toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khách hàng mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm: BIDV nói gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.